Bất đồng về Triều Tiên buộc Ngoại trưởng Vương Nghị vội sang Nga?

Hải Võ |

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây đã có chuyến thăm Nga trong thời điểm bất thường, được cho là để xoa dịu Moscow trước những mâu thuẫn về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Vương Nghị "xoa dịu" Moscow sau thỏa thuận Mỹ-Trung

Việc ông Vương tới Nga trong hai ngày 10-11/3, giữa thời điểm Trung Quốc đang tổ chức "lưỡng hội" - gồm Hội nghị Chính hiệp và Đại hội Nhân đại toàn quốc, kỳ họp lớn nhất hàng năm của nước này, làm dấy lên nhiều đồn đoán.

Trong buổi họp báo sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ông Vương kêu gọi các bên "chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc", "nỗ lực ngăn chặn tình hình (bán đảo Triều Tiên) mất kiểm soát"...

Trang Đa Chiều (Mỹ) bình luận, phát biểu của ông Vương Nghị tại Nga là thông điệp gửi đến Mỹ và Hàn Quốc, các nước đang yêu cầu xã hội quốc tế "tập trung vào vấn đề trừng phạt, chứ không phải đối thoại với Bình Nhưỡng".

Trên thực tế, sau khi Mỹ-Trung đạt được nhận thức chung về nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của HĐBA hôm 23/2 thì ngày 25, Nga đã tuyên bố cần thêm thời gian để "nghiên cứu dự thảo nghị quyết".

Ngày 26/2, Moscow đơn phương "tặng" Triều Tiên 2.500 tấn lúa mì.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 27/2, ông Lavrov nói rằng việc trừng phạt chính quyền Bình Nhưỡng "không nên tạo ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hợp tác hợp pháp về kinh tế giữa người dân Triều Tiên với đối tác nước ngoài".

Thái độ của Nga qua lời Ngoại trưởng Lavrov khá tương đồng với lập trường của Bắc Kinh, trước khi Mỹ và Trung Quốc đạt được đồng thuận để trừng phạt Triều Tiên, chứng tỏ Nga-Trung lại xảy ra "phân cực" về quan điểm.

Theo Đa Chiều, Nga đã làm trì hoãn việc biểu quyết thông qua nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng hôm 1/3, đồng thời thay đổi nội dung dự thảo, bởi chuyến thăm của Bộ trưởng tuyên truyền thống nhất Triều Tiên, tướng Kim Yong Chol.

Bên cạnh Trung Quốc là nhà cung cấp dầu khí lớn nhất cho Triều Tiên, nước Nga cũng được cho là có tham gia vào lĩnh vực này.

Đa Chiều tiết lộ, năm 2014 Bình Nhưỡng đã nhập khẩu dầu thô từ Nga với kim ngạch khoảng 3.98 triệu USD. Năm 2015, Moscow còn chuẩn bị đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối tới bán đảo Triều Tiên để làm tuyến vận chuyển dầu khí.

Trang này bình luận, trong phát biểu tại Moscow hôm 11/3, ông Vương Nghị đặc biệt kêu gọi chấp hành nghị quyết LHQ "không được biến dạng, không theo kiểu có thể lựa chọn", là lời nhắc nhở nhằm vào Nga.

Việc Ngoại trưởng Trung Quốc sang Nga để "thỏa thuận lại" về lập trường hai nước chứng minh Bắc Kinh đang cố gắng bù đắp những bất đồng với Moscow, nhằm đạt được sự "cảm thông và ủng hộ" của Nga trong vấn đề nhạy cảm như Triều Tiên.


Ông Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Ông Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Thiếu Nga ủng hộ, Trung Quốc bị sức ép lớn

Đa Chiều cho rằng, một vấn đề khác là Bắc Kinh không hài lòng bởi Nga chưa thực sự mạnh mẽ khi lên tiếng phản đối ý định của Mỹ-Hàn, nhằm bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Trung Quốc đã nhiều lần tỏ rõ thái độ gay gắt của mình ở các diễn đàn ngoại giao quốc tế nhưng không làm thay đổi được lập trường của Seoul.

Với chuyến thăm bất ngờ tới Nga, Ngoại trưởng Vương Nghị có thể đã "đặt thẳng vấn đề" và kỳ vọng Moscow sẽ ủng hộ Bắc Kinh rõ ràng hơn trong vấn đề "đẩy lùi THAAD".

Có vẻ như ông Vương đã đạt được điều mình muốn khi thông báo sau cuộc gặp với Lavrov: "Nga-Trung có cùng lâp trường phản đối, nhận định việc Mỹ bố trí hệ thống THAAD ở Hàn Quốc là vượt xa nhu cầu phòng thủ thực tế cần thiết trên bán đảo Triều Tiên."

Đa Chiều đánh giá, nếu bố trí THAAD ở Hàn Quốc, Mỹ sẽ buộc Trung Quốc nâng cấp sức mạnh tên lửa phòng thủ chiến lược, từ đó làm leo thang cuộc chạy đua vũ trang Mỹ-Nga-Trung, thậm chí dẫn đến "địa chấn chính trị" ở Đông Bắc Á.

Đây là viễn cảnh Moscow không mong muốn. Nhưng mặt khác, Bắc Kinh tin rằng động thái của Mỹ-Hàn đã "giúp" tạo cơ hội để Nga-Trung thắt chặt hợp tác về quân sự.

Đồng thời, mặc dù quan hệ Trung-Triều đang ở giai đoạn "đóng băng" chưa từng có, nhưng ở góc độ khác thì điều này đưa Nga lại gần Trung Quốc hơn, bởi hai nước có lợi ích chung tương đồng là muốn giành thế chủ động chiến lược trên bán đảo Triều Tiên.

Hồi giữa tháng 2, Ngoại trưởng Trung Quốc đã đề xuất "tư duy mới", tức các bên tiến hành đồng thời lộ trình phi hạt nhân hóa bán đảo và cơ chế chuyển biến từ hiệp định đình chiến (Triều Tiên-Hàn Quốc) sang hiệp định hòa bình.

Sau khi Bắc Kinh nêu ra quan điểm mới, Washington ban đầu cho biết không loại trừ khả năng ủng hộ, nhưng sau đó khẳng định lập trường kiên quyết phải ưu tiên buộc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa. Seoul thì thẳng thừng phản đối Trung Quốc.

Trong vai trò nước chủ đạo Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, việc phương án mà Trung Quốc tự cho là "hợp tình hợp lý, khách quan công bằng" không được các bên thừa nhận, thậm chí đối tác thân cận nhất là Nga cũng không lên tiếng, khiến Bắc Kinh chịu áp lực rất lớn.

Chính vì vậy, nhiều khả năng Vương Nghị sang Nga còn để thuyết phục Moscow công khai ủng hộ phương án trên, nhưng các tiết lộ trong họp báo của ông cho thấy Nga nhiều khả năng vẫn chưa bằng lòng với đề nghị của Bắc Kinh.

Có thể Trung Quốc cần phải đưa ra các cơ chế, giải pháp cụ thể hơn cho phương án của mình để khiến Nga hài lòng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại