Khi chỉ thị rút quân chủ lực khỏi Syria ngày 15/3, ông Putin bày tỏ hy vọng việc bắt đầu rút quân đội Nga khỏi Syria sẽ là kích thích tốt đối với tiến trình đàm phán giữa các lực lượng chính trị ở Syria.
Ông Putin cho biết thêm lực lượng quân đội ở lại Syria sẽ tham gia giám sát thỏa thuận ngừng bắn.
Trước động thái này của Nga, nhiều người đồn đoán về quyết định đột ngột này của Moskva và cho rằng đây tiếp tục là một bước đi chiến thuật của chính quyền Tổng thống Putin trên chiến trường.
Nhưng giới phân tích cũng không loại trừ khả năng lớn dẫn đến quyết định của Moscow là ở vấn đề tài chính.
Ngay sau đó, các phương tiện truyền thông cho biết nước này đã cho ít nhất 38 tỷ rúp cho các hoạt động quân sự ở Syria.
Tuy nhiên, ngày 16/3, phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov đã liên tiếng phủ nhận thông tin trên.
Ông Dmitry Peskov cho biết: “Không, không phải như vậy. Có lẽ các bạn nên hỏi trực tiếp nơi công bố con số trên, bởi họ chính là nơi ý thức được mức chi tiêu như vậy”.
Nói về chi phí quân sự của Nga ở Syria, Thủ tướng Dmitry Medvedev khẳng định: “Đó là một bí mật. Tuy vậy, tôi có thể nói rằng, việc sử dụng các nguồn lực lượng vũ trang của Nga hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn trong ngân sách của Bộ Quốc phòng”.
Cũng đưa ra dự đoán về hành động bất ngờ của Nga, theo Peek, một nhà tư vấn chiến lược, giáo sư tại trường Claremont McKenna, cố vấn của chỉ huy NATO tại Afghanistan viết trên trang cá nhân trong The New York Times ngày hôm nay, quyết định của Putin rút quân khỏi Syria mang màu sắc bi quan hơn.
Đầu tiên ông cho rằng Nga có thể đã cạn tiền. Giá dầu quá thấp và trừng phạt của phương Tây đang làm nền kinh tế Nga điêu đứng. Trong khi các cuộc không kích tại Syria ngốn của Moscow khá nhiều tiền.
Nga đã tuyệt vọng khi vận động Ả Rập Saudi giảm sản lượng dầu và tăng giá nhưng bất thành.
Với chiến thắng trong tầm nhìn về vấn đề Syria, đã đến lúc Nga rút về phòng thủ để tránh rủi ro tài chính.
Những phân tích của Peek không phải không có lý. Giá dầu rớt thảm hại suốt thời gian dài qua khiến một đất nước sống lệ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga phải điêu đứng.
Nga gần đây đã tha thiết yêu cầu Ả Rập Saudi – một ông cực bự khác trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ – giảm sản lượng và tăng giá dầu.
Ả Rập Saudi – một “ông bự” đứng ở chiến tuyến bên kia trong cuộc chiến Syria và là đồng minh với Mỹ đã dứt khoát từ chối.
Việc nước này yêu cầu vay gói “siêu” nợ từ 6-8 tỉ USD hồi tuần trước cho thấy quyết tâm của Riyadh trong việc đẩy Nga và Iran vào cảnh cơ hàn mạnh mẽ tới đâu.
Thêm vào đó, khi nguồn kinh tế đang cạn kiệt thì theo nguồn tin báo New York Daily News, ước tính mỗi ngày quân đội Nga “đốt” hết 4 triệu USD ở Syria.
Bởi vậy, rút quân khỏi Syria giúp Nga tiết kiệm tiền đáng kể trong bối cảnh túi tiền đang xẹp dần.
Hơn nữa về mặt ngoại giao, Nga được tiếng tôn trọng quyết đinh ngừng bắn để hòa đàm, để đem lại hòa bình cho Syria như Liên Hợp Quốc lớn tiếng kêu gọi.
Động thái rút quân thể hiện rõ Điện Kremlin sẵn sàng duy trì hòa bình không chỉ bằng tuyên bố, đồng thời chứng minh việc Nga không thực sự vì tham vọng quyền lực như NATO tố cáo.
Trước động thái được đánh giá là rất "khôn ngoan" của Nga, tác giả Paul Craig Roberts – một cựu quan chức cao cấp Mỹ, từng giữ chức Thứ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Reagan nói rằng, bằng tuyên bố rút quân dần dần khỏi Syria, Tổng thống Nga Putin đã đạt được mục tiêu quân sự, chuyển sang ngoại giao.