Bắt cóc Sydney: Truyền thông đã ứng xử hoàn hảo, trừ 1 sai lầm...

Đức Huy |

Theo nhận định của các nhà phân tích, sẽ là sai lầm nếu vội vàng đi đến kết luận về mối liên hệ giữa những cuộc tấn công cá nhân với các tổ chức khủng bố.

2h10 sáng ngày 16/12 (giờ địa phương), sau khi nghe tiếng súng nổ, cảnh sát ập vào quán cafe Lindt và tiêu diệt Man Haron Monis, kết thúc vụ bắt cóc và khống chế 17 con tin kéo dài suốt 16 tiếng đồng hồ tại đây.

Đối với một đất nước tương đối yên bình như Australia, vụ bắt cóc này là một sự kiện chấn động được cả thế giới quan tâm. Tuy đã trôi qua được hai ngày, nhưng dư âm về nó vẫn tiếp tục được truyền thông toàn cầu đăng tải.

Chính phủ tỉnh táo

Về cách thức tiếp cận sự kiện, nhà báo Elliot Brennan của trang The Diplomat đánh giá cao phương án xử lý của chính phủ Australia. Trả lời họp báo sau khi vụ bắt cóc xảy ra, Thủ tướng Tony Abbott đã khéo léo tránh đưa ra chi tiết và nhấn mạnh một ý quan trọng:

"Chúng tôi không rõ vụ việc này có mục đích chính trị hay không. Kẻ bắt cóc cũng không hề có dấu hiệu gì liên quan đến khủng bố, chúng tôi chỉ biết rằng hắn là một kẻ quái đản với tiền sử tâm thần bất ổn", ông phát biểu.

Thủ tướng Abbott đã giữ được cái đầu lạnh trong sự hỗn loạn. Ảnh: AAP

Thủ tướng Abbott đã giữ được "cái đầu lạnh" trong sự hỗn loạn. Ảnh: AAP

Chỉ với hai câu nói, ông Abbott đã đập tan mục đích thu hút sự chú ý của Monis, đồng thời trấn an dư luận rằng đây là những hành động bộc phát cá nhân của kẻ tâm thần, không có sự giật dây của các tổ chức Hồi giáo cực đoan.

Ông Brennan cho rằng, trong bối cảnh cả nước đang hỗn loạn, việc người lãnh đạo có thể bình tĩnh đưa ra một phát biểu như vậy là một điều rất đáng hoan nghênh.

Vai trò của truyền thông

Để đạt được mục đích gây sự chú ý, Monis tìm cách gửi thông điệp của mình qua các phương tiện truyền thông. Đầu tiên, tên này tìm đến các trang mạng xã hội, tuy nhiên Facebook và Twitter của hắn đã ngay lập tức bị chặn.

Monis chuyển sang đăng tải những lời kêu cứu của con tin lên YouTube, nhưng chỉ 30 phút sau, các nhân viên an ninh mạng đã gỡ bỏ đoạn video này.

Vào thế bí, hắn gọi điện cho các đài phát thanh truyền hình, trong đó có 2GB Radio, đài phát thanh có lượng người nghe hàng đầu Sydney. Mặc dù chắc chắn sẽ hút khách, nhưng tất cả đều từ chối cho Monis lên sóng.

Theo chuyên gia nghiên cứu tâm lý khủng bố Adam Dolnik, đây là những quyết định hết sức đúng đắn của giới truyền thông. Ngoài việc ngăn cản ý đồ gây sự chú ý của Monis, điều này đẩy hắn vào thế bị cô lập và buộc phải "xuống nước" để đạt được điều mình muốn.

Truyền thông nhìn chung đã làm tốt vai trò của mình trong vụ việc này. Ảnh: ABC
Truyền thông nhìn chung đã làm tốt vai trò của mình trong vụ việc này. Ảnh: ABC

Sự sáng suốt của truyền thông trong vụ này, theo nhà báo Brennan, còn được thể hiện ở quyết định không thực hiện những đoạn video quay trực tiếp hiện trường, vì nếu làm vậy chẳng khác nào biếu không cho Monis thông tin về đường đi nước bước của cảnh sát.

Nhìn chung, có thể nói truyền thông đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình trong sự kiện chấn động này. Tuy nhiên, theo phân tích của The Diplomat, vẫn còn đó một sai lầm cố hữu trong giới làm báo, khiến vụ việc trở nên phức tạp hơn mức cần thiết.

"PR miễn phí" cho IS

Chiều 15/12, khi các con tin vẫn đang bị giam giữ và thông tin về vụ việc còn tương đối mập mờ, tờ Daily Telegraph (Anh) đã ngang nhiên chạy tít "Nhà nước Hồi giáo tự xưng bắt giữ 13 con tin trong quán cafe" trong bản tin chiều của mình.

Từ đó, hàng loạt các thông tin sai lệch về kẻ chủ mưu thực sự của vụ bắt cóc này lan tỏa. Trong mắt công chúng, thủ phạm lại một lần nữa là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), trong khi tổ chức này không hề có mối liên hệ nào với Monis.

Điều này vô hình trung đã biến một cuộc tấn công cá nhân trở thành công cụ PR cho IS, đồng thời reo rắc những lo ngại không đáng có cho người dân Australia.

Kẻ tâm thần Man Haron Monis từng bị buộc tội giết người. Ảnh: Telegraph
"Kẻ tâm thần" Man Haron Monis từng bị buộc tội giết người. Ảnh: Telegraph

Cái cách IS thu hút các phần tử Hồi giáo cực đoan về đầu quân cho mình, theo phân tích của nhà báo Brennan, đánh vào yếu tố muốn "trở thành người hùng để chuộc lỗi với thánh Allah" của người theo đạo này.

Theo đó, người Hồi giáo có thể bù lại những sai lầm trong quá khứ bằng một hành động "quả cảm", thể hiện tinh thần Hồi giáo trong sự chứng kiến của toàn thế giới, kể cả khi những khoảnh khắc "anh hùng" đó chỉ kéo dài 15 phút và phải trả giá bằng tính mạng bản thân.

Hành động của Monis tuy có những nét tương đồng với khủng bố, nhưng nên nhớ đây là một kẻ đã có tiền sử tâm thần và từng nhiều lần phải ra tòa. Vì vậy, báo chí không thể kết luận chỉ dựa trên tôn giáo của hắn.

Nhà báo Brennan đồng cảm với mong muốn tìm kiếm nguyên nhân cho mọi sự việc của giới truyền thông, tuy nhiên việc đưa ra những mối liên quan sai lệch như vậy là hết sức sai lầm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại