Điều ít biết về đặc nhiệm Úc vừa giải cứu con tin ở Sydney

Nhật Huy |

Đội cảnh sát chiến thuật (PTG) của bang New South Wales là một trong những lực lượng chống khủng bố và giải cứu con tin tinh nhuệ của Australia.

Tin liên quan: Soi trang bị "khủng" của đặc nhiệm Úc vừa giải cứu con tin

Rạng sáng 16/12 (giờ địa phương), cảnh sát đặc nhiệm Australia đã ập vào bên trong quán cafe Lindt Chocolate tại Martin Place, thuộc quận tài chính đông đúc ở Sydney (Australia), nơi một tay súng bắt 17 người làm con tin.

Vụ bắt cóc táo tợn kéo dài hơn 16 tiếng đồng hồ (từ ngày 15/12) kết thúc với 3 người thiệt mạng, trong đó có kẻ bắt cóc và 2 con tin bị y sát hại.

Các phương tiện truyền thông Australia cho biết chiến dịch đột kích này do Đội cảnh sát chiến thuật (PTG) của bang New South Wales thực hiện.

Đây là một trong những lực lượng chống khủng bố và giải cứu con tin tinh nhuệ của Australia.

Bối cảnh ra đời

Cơ cấu các lực lượng chống khủng bố của Australia được thành lập sau vụ đánh bom khách sạn Hilton cũng tại Sydney vào ngày 13/2/1978.

Theo đó, mỗi bang tại Australia có một đơn vị cảnh sát đặc nhiệm chuyên trách chống khủng bố và giải cứu con tin.

Được gọi là Đội cảnh sát chiến thuật (PTG), những đơn vị này trực tiếp hỗ trợ lực lượng cảnh sát địa phương trong những vụ việc nghiêm trọng, yêu cầu phải sử dụng vũ lực với trình độ nghiệp vụ cao.

PTG của bang New South Wales trong huấn luyện

PTG của New South Wales là 1 trong 9 đơn vị tương tự của cảnh sát Australia

Hiện cảnh sát Australia có 8 đơn vị PTG tương ứng với 8 bang và vùng lãnh thổ cùng 1 đơn vị của cảnh sát liên bang.

Đơn vị PTG của bang New South Wales còn được gọi là Đội tác chiến chiến thuật TOU, gồm 75 thành viên và trực thuộc Bộ tư lệnh cảnh sát chống khủng bố & nhiệm vụ đặc biệt, do bà Catherine Burn, phó trưởng cảnh sát bang trực tiếp đứng đầu.

Hoạt động bên cạnh đơn vị này là những đơn vị hỗ trợ khác như cảnh khuyển, rà phá bom, đàm phán con tin, tình báo…

Huy hiệu lực lượng cảnh sát bang New South Wales

TOU tại hiện trường vụ bắt cóc con tin ở Sydney

Phó trưởng cảnh sát New South Wales, Catherine Burn

Chiến tích

Ngoài nhiệm vụ chống khủng bố và giải cứu con tin, TOU còn được dùng để truy bắt những tội phạm đặc biệt nguy hiểm như Ivan Milat, kẻ đã sát hại 7 du khách trong những năm 1990, hay tên sát nhân Malcolm Naden, kẻ bị truy nã gắt gao nhất bang New South Wales.

TOU từng cố gắng bắt Malcolm Naden nhưng thất bại vào ngày 7/12/2011. Một thành viên của TOU trúng đạn và bị thương trong lần đột kích đó.

Ngày 22/3/2012, TOU, với sự hỗ trợ của một cảnh khuyển, bao vây và bắt sống Malcolm Naden tại nơi ẩu náu.

Vụ bao vây và giải cứu con tin đáng kể nhất của TOU trước vụ bắt cóc con tin ở Sydney diễn ra vào tháng 3/1993, khi TOU bao vây một nhóm 3 tên tội phạm cùng 2 con tin trong 26 giờ.

Nhóm tội phạm này trước đó đã giết tổng cộng 5 người trước khi bắt cóc 2 trẻ em. Sau một số cuộc chạm súng với TOU, 2 tên trong nhóm đầu hàng và tên còn lại tự sát. Cả 2 con tin đều an toàn.

Ngoài ra, TOU còn tham gia đảm bảo an ninh cho các sự kiện quan trọng như Thế vận hội Sydney 2000, Cúp Rugby thế giới 2003, hội nghị APEC 2007.

Trang bị

Trang bị nói chung của các PTG gồm súng trường tự động M4, tiểu liên UMP... và những loại vũ khí phi sát thương như súng điện, súng đạn cao su…

Các PTG còn được xe bọc thép Lenco BearCat do Mỹ sản xuất, được sử dụng rộng rãi trong nhiều đơn vị cảnh sát vũ trang tại hơn 40 quốc gia.

Xe được trang bị động cơ diesel 300 mã lực và sức chứa tối đa 12 người. Lớp giáp bảo vệ có thể chống lại đạn từ súng trường hạng nặng.

Riêng đơn vị PTG/TOU của New South Wales có 2 chiếc Lenco BearCat.

Một chiếc Lenco BearCat của cảnh sát New South Wales

Lenco BearCat tại hiện trường vụ bắt cóc ở Sydney

Lực lượng sẵn sàng hỗ trợ PTG

Ở tầm cao hơn PTG là Đội đột kích chiến thuật (TAG), đơn vị đặc nhiệm chuyên trách chống khủng bố và giải cứu con tin của quân đội.

Hiện Australia duy trì 2 TAG phụ trách khu vực phía Đông và Tây của đất nước. TAG Miền Đông đóng tại Sydney và TAG Miền Tây đóng tại Perth.

Thành viên của TAG được lấy từ những lực lượng đặc nhiệm của quân đội Australia. TAG sẽ được huy động để giải quyết những vụ việc vượt ngoài khả năng của cảnh sát bang và PTG.

Trong trường hợp vụ con tin tại Sydney, nếu diễn biến vụ bắt cóc kéo dài và phức tạp hơn, nhiều khả năng TAG Miền Đông, đóng ngay tại Sydney, sẽ được triển khai.

Quân số của TAG Miền Đông chủ yếu lấy từ Trung đoàn biệt kích số 2. Mỗi đại đội của trung đoàn này sẽ thay phiên trực chiến cho TAG.

Ngoài ra, còn có một số đơn vị của hải quân hoàng gia Australia, trong đó có 30 người nhái.

Cơ sở huấn luyện của TAG Miền Đông tại Sydney

TAG Miền Tây có thành viên từ lực lượng SAS Australia.

Cả 2 đơn vị TAG đều có những cơ sở huấn luyện hiện đại của riêng mình, và thường xuyên thực hiện những đợt huấn luyện cho các PTG để giúp nâng cao nghiệp vụ và tăng khả năng phối hợp tác chiến cho lực lượng cảnh sát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại