Giữa tháng 5-2013, ông Isao Iijima - cố vấn thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có chuyến thăm bất ngờ sang Triều Tiên, thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, điều này không chỉ là do Triều Tiên mà ông Isao Iijima sang thăm chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, mà còn bởi chuyến thăm này của ông Isao Iijima, ngay cả đồng minh của Nhật Bản là Mỹ cũng không được báo trước.
Theo nguồn tin của báo chí Nhật Bản, tháng 2-2013, ông Shinzo Abe đã từng bày tỏ với tổng thống Mỹ Obama rằng “muốn giải quyết triệt để vấn đề người Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong nhiệm kỳ của mình”, nhưng lúc ấy đề nghị này đã không được tổng thống Obama coi trọng.
Mới đây, khi trả lời phỏng vấn tờ Chính sách ngoại giao của Mỹ, ông Shinzo Abe lại cho biết: “Chúng tôi hy vọng cùng hợp tác với quốc gia khác để giải quyết vấn đề người Nhật Bản bị bắt cóc, nhưng rõ ràng là đã không được hưởng ứng”.
Trước khi cố vấn thủ tướng Isao Iijima sang thăm Triều Tiên, việc Nhật Bản không thông báo trước với Mỹ và ông Shinzo Abe ám thị Mỹ coi nhẹ vấn đề người Nhật Bản bị bắt có đã chứng tỏ mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ thân thiết, ổn định thực chất đang tiềm ẩn một số nguy cơ – Nhật Mỹ không tin tưởng nhau.
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây, Nhật Bản luôn coi Mỹ là xuất phát điểm căn bản của chính sách ngoại giao của mình. Mỹ chính là “cây gậy chỉ huy” cho hướng đi của chính ngoại giao Nhật Bản, gần như khi ngoại giao có những động thái quan trọng, Nhật Bản đều trưng cầu ý kiến của Mỹ hoặc quan sát phản ứng của Mỹ để hành xử.
Mỹ vì để củng cố lợi ích chiến lược của mình tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng rất nhiệt tình coi Nhật Bản là công cụ và quân cờ quan trọng cho hoạt động thúc đẩy lợi ích chiến lược của mình tại châu Á – Thái Bình Dương.
Hoàn Cầu nhận xét trong mắt Mỹ, Nhật Bản mãi mãi là đối tác nhỏ, kẻ theo đuôi, vì lợi ích bá quyền của mình, Mỹ không muốn độ ảnh hưởng của Nhật Bản (đặc biệt là độ ảnh hưởng trong lĩnh vực chính trị quốc tế) được mở rộng một cách vô hạn.
Nếu thật sự phát hiện ra Nhật có khuynh hướng nguy hiểm thoát khỏi quỹ đạo chiến lược do Mỹ vạch ra, và khuynh hướng này thậm chí đe dọa đến lợi ích chiến lược của Mỹ, chắc chắn Mỹ sẽ bấm “nút dừng” đối với Nhật Bản. Lúc cần thiết sẽ đưa ra lời cảnh cáo hoặc “gõ đầu” nghiêm khắc.
Hoàn Cầu cho rằng, trước hết là gần đây chính phủ Nhật Bản có khuynh hướng xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai khiến Mỹ không hài lòng, đây là mồi lửa châm ngòi cho cuộc khủng hoảng lòng tin giữa Mỹ và Nhật Bản thời gian qua.
Kể từ mùa xuân năm 2013 trở lại đây, bất luận là thủ tướng cầm quyền Shinzo Abe và các thành viên trong nội các hay lãnh đạo đảng Hội Duy Tân Nhật Bản (JRP) Hashimoto Toru trong các vấn đề nhận thức về lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai (như vấn đề nô lệ tình dục, sách giáo khoa lịch sử và viếng đền Yasukuni), liên tục xuất hiện những ngôn luận xuyên tạc những nhận thức về lịch sử cơ bản của Chiến tranh thế giới thứ hai đã được cộng đồng quốc tế công nhận, những phát ngôn nguy hiểm khuynh hữu cực đoan này không những làm tức giận dân chúng ở các nước đã từng bị Nhật Bảm xâm phạm, sát hại đòi sự công minh, mà Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối.
Mới đây, cơ quan điều tra của quốc hội Mỹ công bố bố báo cáo về quan hệ Mỹ - Nhật cho thấy, những nhận thức lịch sử của thủ tướng Nhật Shinzo Abe và lời phát ngôn có liên quan “đẩy mối quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Á vào tình trạng hỗn loạn và gây ra mối lo ngại có thể làm tổn hại đến lợi ích quốc gia của Mỹ”.
Không chỉ có vậy, trước lời phát ngôn mang tính sỉ nhục, xuyên tạc vấn đề nô lệ tình dục trong chiến tranh của nhà lãnh đạo Hashimoto Toru của Hội Duy Tân, trong cuộc họp báo ngày 16-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã khiến trách gay gắt lời phát ngôn của ông Hashimoto Toru và cho rằng lời phát ngôn này “gây phẫn nộ và đầy tính mạo phạm”.
Mỹ không vì ông Hashimoto Toru là lãnh đạo của đảng không cầm quyền đưa ra những phát ngôn xuyên tạc mà làm ngơ cho qua. Việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra lời chỉ trích mạnh mẽ đối với nhà lãnh đạo một đảng không cầm quyền của Nhật Bản là điều rất ít thấy trong lịch sử quan hệ Nhật – Mỹ.
Điều này cho thấy sự lo ngại thật sự của Mỹ đối với nước đồng minh Nhật Bản, sự lo ngại này xuất phát từ việc Mỹ lo lắng những lời phát ngôn và hành động bảo thủ khuynh hữu của Nhật Bản sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bất chấp mong muốn của Trung Quốc, mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật dường như càng trở nên khăng khít hơn thời gian gần đây do sự cứng rắn của Trung Quốc. Ảnh: Quân đội Mỹ-Nhật thường xuyên tập trận chung.
Thứ hai, Nhật Bản muốn gạt Mỹ ra ngoài để tiếp xúc riêng với Triều Tiên, chắc chắn Mỹ sẽ không làm ngơ cho qua mà sẽ có phản ứng. Ngày 16-5, trong chuyến thăm Nhật Bản, đại diện đặc biệt phụ trách chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên Glyn Davis đã trả lời báo chí rằng: “Không được nghe nói đến chuyện đặc phái viên Isao Iijima sang thăm Triều Tiên”.
Ông Glyn Davis còn nói với vẻ châm biếm rằng: “Câu trả lời của tôi cho thấy giữa Mỹ và Nhật Bản có sự hài hòa ở mức độ nào”, thể hiện rõ sự không hài lòng đối với việc Nhật Bản giấu chuyện ông Isao Iijima sang thăm Triều Tiên.
Vấn đề liên quan đến chuyện bắt cóc con tin giữa Nhật Bản và Triều Tiên đã tồn tại từ lâu, và trong thời điểm Triều Tiên bị cộng đồng quốc tế quan tâm cao độ do “vấn đề hạt nhân và tên lửa” gây ra, Nhật Bản bất ngờ cử đặc phái viên sang thăm Triều Tiên, không thể không khẳng định là Nhật Bản đang có ý định gạt Mỹ ra và xây dựng một chiến lược khác cho mình.
Hoàn Cầu đánh giá đã từ lâu, “Mỹ - Nhật - Hàn” luôn xuất hiện với tư thế cùng nhất trí đối phó với “vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”, gây ấn tượng cho cộng đồng quốc tế là “cùng một phe”, hiện tại, phe này đã xuất hiện lỗ hổng, Nhật Bản “mạo phạm Mỹ” và tiếp xúc đơn phương với Triều Tiên, thực sự làm mất mặt Mỹ - đồng minh của Nhật Bản, cuộc khủng hoảng thiếu lòng tin giữa hai nước đã bại lộ.
Tờ báo dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc cho rằng, cuộc khủng hoảng lòng tin giữa Mỹ và Nhật Bản đã phản ánh nên hai vấn đề bản chất:
Một là mối quan hệ đồng minh Mỹ Nhật vốn rất chắc chắn đã xuất hiện mối hiềm khích, chứng tỏ sự dung túng kéo dài của Mỹ đối với Nhật Bản trong các vấn đề nhận thức lịch sử chính là do Mỹ “quản giáo không nghiêm”, khiến Nhật Bản “phát ngôn bừa bãi”, “càng trượt càng xa” hết lần này đến lần khác trong các vấn đề nhận thức lịch sử, đến khi Nhật Bản đưa ra những lời “phát ngôn nguy hiểm” làm tổn hại đến lợi ích thiết thực của Mỹ, Mỹ mới giật mình, mới buộc phải ra mặt “cảnh cáo” Nhật Bản.
Hai là Nhật Bản không phải là “thuần dân ngoan ngoãn nghe lời”, trong tương lai, có thể quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật sẽ tan rã. Nhật Bản không cam tâm luôn phải đóng vai “phục tùng” Mỹ, một khi liên quan đến lợi ích chiến lược căn bản của Nhật Bản, Nhật Bản sẽ đi về phía cực đoan.
Hoàn Cầu kết luận kinh nghiệm và bài học lịch sử rất đáng phải chú ý. Trong lịch sử, Nhật Bản đã từng nhiều lần xảy ra “hành động mạo hiểm”, mong sao Mỹ thật cẩn trọng, không nên dung túng cho Nhật Bản có những hành vi nguy hiểm nữa.