Mỹ: Biển Đông phải được 'miễn dịch' trước mọi âm mưu chiếm đoạt

Khi mà Trung Quốc liên tiếp nhấn mạnh đòi "chủ quyền đầy đủ" trên Biển Đông và biển Hoa Đông, Mỹ đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm sẽ đảm bảo rằng các vùng lãnh thổ sẽ được “thoát khỏi sự can thiệp và kiểm soát”.

“Hoa Kỳ muốn đảm bảo rằng Biển Đông sẽ hoàn toàn có quyền tự do hàng hải, tránh khỏi mọi can thiệp và không có bất kỳ kiểm soát nào”, Đại sứ Mỹ ở Philippines Harry Thomas Jr cho biết trong chuyến thăm lực lượng Hải quân Mỹ đang phục vụ trên tàu khu trục USS Paul Hamilton.

Trước đó, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã cùng thể hiện rõ quan điểm của Washington rằng Mỹ vẫn xem Trung Quốc là một đối tác tiềm năng và Bắc Kinh không nên thực hiện bất kỳ chính sách hay hành động nào làm suy yếu sự ổn định của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Ngày 2/6, tướng Thích Kiến Quốc, Phó tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, tuyên bố Bắc Kinh "có quyền" đưa hải quân tuần tra trên Biển Đông và biển Hoa Đông bởi 2 khu vực này “thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Ông này nói: “Các tàu chiến Trung Quốc và các hoạt động tuần tra là hoàn toàn hợp pháp và không tranh cãi”.

Tướng Thích Kiến Quốc và những luận điểm khó nghe tại Đối thoại Shangri La ở Singapore hồi đầu tháng 6/2013

Thông qua lời của Đại sứ Harry Thomas trong cuộc phỏng vấn với hãng tin News5 của Philippines cho thấy Mỹ không phản đối việc Trung Quốc có quyền đi lại trên các vùng tranh chấp. Tuy nhiên, ông Thomas tin rằng những hành động đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và thương mại của khu vực.

“Chúng tôi phản đối áp bức kinh tế”, ông Thomas nói, nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ vẫn tin rằng những tranh chấp lãnh thổ có thể được giải quyết trên bàn thương lượng, “Có những tuyên bố chồng chéo nhau. Chúng tôi nhiều lần kêu gọi các quốc gia có yêu sách cùng ngồi xuống bàn đàm phán”.

Qua những phát ngôn chính thức gần đây của các đại diện chính quyền Mỹ, cho thấy rằng Mỹ không có ý định xen vào bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào, dù nó đúng hay sai. Mỹ cũng sẽ không tham gia vào cuộc tranh chấp với tư cách trung gian hay can thiệp trực tiếp. Tuy nhiên, Mỹ sẽ làm mọi cách để đảm bảo an ninh hàng hải tại những nơi đang có tranh chấp hiện nay.

Vùng tranh chấp giữa các nước ở Biển Đông hiện nay tập trung trên một số hòn đảo và bãi ngầm ở Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa – ngư trường lớn đồng thời là nơi có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt dồi dào.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông bao gồm cả quần đảo Trường Sa, một nhóm của hơn 750 các rạn san hô, đảo nhỏ, đảo san hô, đảo thấp nhỏ, hải đảo. Cùng một lúc, Trung Quốc cũng có sự tranh chấp qua lại với Nhật Bản về một quần đảo trên biển Hoa Đông, nơi nước này gọi là Điếu Ngư còn phía Nhật Bản gọi là Senkaku.

Trung Quốc nhiều lần phản đối mạnh mẽ các đề nghị giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông thông qua các tổ chức quốc tế. Nước này chỉ muốn có một cách tiếp cận song phương với từng quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực.

Cam kết mạnh mẽ về an ninh khu vực

Đại úy Hải quân Mỹ Luke Frost, chỉ huy trưởng tàu USS Paul Hamilton cho biết chuyến dừng chân ở Philippines của họ được xem là chuyến thăm thường xuyên và là động thái “thể hiện cam kết đối với an ninh khu vực” và cho thấy “mối quan hệ chặt chẽ” của Mỹ với Philippines.

Ông cũng cho biết việc cắt giảm ngân sách ở Mỹ sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động của Hải quân Mỹ trong khu vực châu Á. “Lãnh đạo của chúng tôi đã làm rất tốt các hoạt động ưu tiên của tàu và triển khai các mục tiêu mũi nhọn”, ông Frost cho biết, “Chúng tôi tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để không làm gián đoạn năng lực và hoạt động của chúng tôi”.

Khả năng của tàu khu trục USS Paul Hamilton

USS Paul Hamilton là một tàu khu trục lớp Arleigh Burke, có thể thực hiện một số nhiệm vụ như các hoạt động đối không, chống ngầm và chiến tranh bề mặt. Tàu được trang bị một hệ thống tên lửa hành trình phóng thẳng đứng, tên lửa hải đối không, tên lửa hải đối hải Harpoon, một súng máy cỡ nòng 5 inch cũng như các loại pháo như Phalanx 20 ly và pháo 25 mm.

Tàu khu trục Paul Hamilton

Trên chiếc Paul Hamilton, Trung tâm thông tin chiến đấu (CIC) là nơi mà con tàu thực hiện các “cuộc chiến” nếu nó xảy ra. CIC được trang bị hệ thống radar, màn hình và hệ thống cảm biến.

Tại đây, con tàu có thể “thu thập mọi thông tin từ các thiết bị trên tàu cũng như các tàu khác” và vì thế, những người tham gia chiến đấu trên tàu có thể biết nên hành động như thế nào với các mục tiêu.

Tàu được trang bị radar AN/SPY1D3d, cho phép theo dõi và tấn công vào không gian cũng như các mục tiêu ở mặt đất. Tàu khu trục lớp Arleigh Burke được thiết kế không có bất kỳ góc cạnh nào bên ngoài thân tàu và cấu trúc thượng tầng của tàu, nhằm giảm tiết diện và khó bị radar của địch phát hiện.

USS Paul Hamilton đã từng tham gia trong khu vực Vịnh Ba Tư, chống lại hoạt động của cướp biển của Somali. Tàu có 281 thủy thủ đoàn, trong đó có 24 người Mỹ gốc Philippines.

Tàu được trang bị động cơ tua bin khí, vận tốc đạt 56km/h. Được đưa vào hoạt động năm 1995, tàu khu trục USS Paul Hamilton là tàu thứ 10 được đóng theo thiết kế lớp Arleigh Burke và được đặt theo tên của Bộ trưởng Hải quân Mỹ (năm 1812).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại