Ngày 31/7/2014, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam 3 ngày. Ông Kishida xác nhận song phương sẽ tăng cường hợp tác về an ninh trên biển, đồng thời tái khẳng định phương châm vận dụng hạng mục khai thác viện trợ của chính phủ để cung cấp tàu tuần tra. Đồng thời phía Nhật Bản cũng hy vọng nhận được sự ủng hộ của Việt Nam trong vấn đề gỡ bỏ lệnh cấm phòng vệ tập thể.
Theo Takungpao (Trung Quốc), quan hệ ngoại giao Việt – Nhật đang ngày càng trở nên mật thiết hơn. Cụ thể, sau chuyến thăm của ông Shinzo Abe tới Việt Nam hồi tháng 1/2013 thì tháng 3 năm nay, phía Nhật lại mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm và làm việc chính thức. Sau khi căng thẳng Việt – Trung lên tới đỉnh điểm hồi tháng 5 vừa qua thì quan hệ Việt – Nhật càng trở nên khăng khít hơn khi những cuộc trao đổi giữa các quan chức cấp cao hai nước tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3 hay Diễn đàn thượng đỉnh an ninh Châu Á (Shangri-la) đã trở thành “chuyện thường thấy”.
Cũng theo Takungpao, Việt Nam đóng vai trò “quan trọng” đối với Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp Nhật - Trung. Về kinh tế, Việt Nam là một thị trường đang lên có tiềm năng vô cùng to lớn. Tiến vào thị trường Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp Nhật mở rộng thị trường quốc tế mà quan trọng hơn là giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Về chính trị, Takungpao đánh giá Việt Nam là một nước lớn trong ASEAN, “chơi thân” với Việt Nam sẽ giúp Nhật có thêm ảnh hưởng và tiếng nói tại Đông Nam Á.
Trang này cũng nhấn mạnh rằng, về lĩnh vực quân sự, vị trí địa lý của Việt Nam đối đầu trực diện với “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, do đó thắt chặt hợp tác an ninh Việt - Nhật có ý nghĩa trực tiếp đối với đường hướng ngoại giao trong các vấn đề tranh chấp Trung - Nhật.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, việc Trung Quốc liên tục gây hấn với láng giềng ở cả Biển Đông và Hoa Đông đã đẩy các nước xích lại gần nhau hơn, trong nỗ lực đoàn kết ngăn chặn những bước tiến hung hăng của Bắc Kinh.