Hiệp ước an ninh mới giữa Philippines và Mỹ (EDCA) cho thấy vị thế địa chính trị quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hiệp ước này sẽ có lợi cho châu Á.
Trong dư luận có tiếng nói cảnh báo rằng nếu Mỹ rút khỏi châu Á, nơi đây sẽ có một hoặc nhiều cường quốc khác “thế chỗ” Washington. Đôi khi quan điểm này bị coi là nhằm vận động cho sự “cân bằng lực lượng” ở châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, với sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc và tình hình căng thẳng do tranh chấp chủ quyền giữa nước này và các nước láng giềng như Philippines, những ai tin rằng trật tự châu Á thay đổi sẽ diễn ra êm ả sẽ phải suy nghĩ lại.
Hiệp ước an ninh Mỹ - Philippines là bằng chứng cho thấy sẽ là khôn ngoan nếu coi Mỹ là một nhân tố không thể thiếu cho sự ổn định của châu Á. Lí do là Mỹ không chỉ là một siêu cường mà Washington cũng không tham gia tranh chấp chủ quyền và không có tham vọng về chủ quyền đối với khu vực.
Việc Trung Quốc giận dữ về hiệp ước Mỹ - Philippines là điều dễ hiểu. Hiệp ước này giúp Philippines có thể “dựa” vào sức mạnh của Mỹ để đối phó với các tuyên bố chủ quyền hàng hải ngày càng quyết liệt của Trung Quốc.
Mục đích của hiệp ước này không nhằm làm leo thang căng thẳng do tranh chấp trên Biển Đông vì Manila đã đi theo con đường hòa bình bằng việc đưa vụ việc ra Tòa án Liên Hợp Quốc. Chính Trung Quốc đã từ chối cách giải quyết tranh chấp thông qua tòa án và ra sức phô trương sức mạnh hải quân nhằm “nhắc nhở” Manila về sự chênh lệch năng lực quân sự giữa hai quốc gia.
Philippines tìm cách rút ngắn khoảng cách này bằng cách thu hút các nguồn lực quân sự của Mỹ.
Hiệp ước Mỹ - Philippines có hiệu lực trong 10 năm không cho phép Mỹ xây dựng căn cứ quân sự ở quốc gia Đông Nam Á mà sẽ cho phép quân đội Mỹ điều động luân phiên tới Philippines và cho phép Mỹ điều động máy bay chiến đấu và tàu chiến cùng các thiết bị giám sát của Mỹ tới Philippines.
Từ nay, Trung Quốc sẽ phải đối phó với một Philippines mới.
Tuy nhiên, tờ Strait Times cũng đưa ra nhận định, cho rằng không nên đẩy Trung Quốc vào thế “đường cùng”. Không nên để cho nước này có cớ để dùng Hiệp ước Mỹ - Philippines là bằng chứng cho cái mà họ gọi là chiến lược “kiềm chế” sự phát triển của Trung Quốc – chiến lược mà Mỹ được cho là “kiến trúc sư trưởng”.
Trung Quốc theo dõi sát sao khi Tổng thống Mỹ Barack Obama xác nhận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.
Có thể coi việc Mỹ cam kết hậu thuẫn các đồng minh và đối tác châu Á là một thông điệp gửi tới Trung Quốc. Bắc Kinh nên tự hỏi bản thân tại sao thay vì các quốc gia châu Á khác thay vì thân thiện với Trung Quốc lại xa lánh nước này và tìm tới Mỹ.
Tuy vậy, các quốc gia châu Á không nên dựa vào sự ủng hộ của Mỹ để khoét sâu sự khác biệt với Bắc Kinh. Vấn đề là phải đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ hành xử theo luật pháp quốc tế được toàn thế giới công nhận. Các quốc gia châu Á không nên “hắt hủi” Trung Quốc vì điều đó có thể sẽ khiến nước này hành xử theo cách mà không ai mong muốn.