Tờ Miami Herald nhận định, cuộc xung đột Ukraine được ví như một bãi lầy mà phương Tây chưa tìm được cách thoát.
Tổng thống Mỹ Obama cũng cho thấy sự lúng túng xung quanh đề xuất cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine và thắt chặt các biện pháp trừng phạt Nga.
Mỹ cũng chỉ biết đồng tình với quyết định của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra vào ngày 19 và 20/3 vừa qua về việc duy trì chứ không gia tăng thêm các biện pháp trừng phạt Nga.
Còn theo tờ NYT, sau khi ca ngợi cuộc cách mạng ở Kiev là một thất bại đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Mỹ và phương Tây dường như chỉ thống nhất được với nhau về việc không hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Trái lại, họ bất đồng về rất nhiều vấn đề như có nên cung cấp vũ khí sát thương, tài trợ tài chính lớn cho Ukraine hay không và gần đây nhất là về diễn biến hiện tại của việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 tại miền Đông Ukraine.
Trong khi châu Âu cho rằng, những yếu tố quan trọng của thỏa thuận Minsk 2 như các bên rút vũ khí hạng nặng đang được thực hiện khá nghiêm túc thì các quan chức Mỹ lại không cho như vậy.
Tướng Mỹ Philip Breedlove, chỉ huy lực lượng NATO ở châu Âu khẳng định, họ vẫn thấy những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy sự mong manh của Minsk 2.
Bà Victoria Nuland, Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề châu Âu, cho biết ly khai đang sở hữu các loại vũ khí tinh vi hơn so với vũ khí của quân đội Ukraine.
Bà nói: “Hàng tháng qua, chúng tôi vẫn thấy có nhiều loại vũ khí sát thương tầm cỡ hơn được đưa vào Ukraine”.
Sự bế tắc về chính sách của phương Tây và Mỹ cũng được thể hiện qua chính quan điểm của ông Philip Breedlove.
Khi được hỏi về việc liệu cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev sẽ gây bất ổn hay sẽ giúp ổn định tình hình Ukraine, ông cho hay ông ủng hộ việc gửi vũ khí cho Ukraine vì ông nghĩ không nên loại bỏ bất kì sức mạnh nào của Mỹ ra khỏi các phương án.
Ông thừa nhận sự mơ hồ đối với kết quả của chính cái mà ông lựa chọn.
Ông nói: "Nó có thể gây bất ổn hay không? Câu trả lời là có. Tuy nhiên, việc không hành động gì cũng có thể gây bất ổn".
Bên cạnh đó, phương Tây và Mỹ dường như cũng không thể xác định được chính xác tác động của các biện pháp trừng phạt Nga.
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ phải mất nhiều năm mới có đủ tác động để buộc Moscow thay đổi chính sách.
Ngoài ra, còn một tình huống khác cũng có thể gây khó xử cho NATO. Theo phương Tây, Kiev bị tấn công bởi lực lượng ly khai do nước ngoài hậu thuẫn chứ không phải là một cuộc tấn công quân sự trực tiếp.
Do vậy, với tư cách là một liên minh quân sự, NATO sẽ khó can thiệp vào cái mà họ gọi là “cuộc chiến tranh lai” hiện nay ở Ukraine.
NATO đã học cách “sống” với những mâu thuẫn đóng băng gần biên giới, chẳng hạn như giữa Georgia và các khu vực ly khai Abkhazia, Nam Ossetia; cũng như giữa Armenia và Azerbaijan.
Tuy vậy, một cuộc xung đột đóng băng ở Ukraine, gây đóng băng cả quan hệ với Nga, được đánh giá là nguy hiểm hơn nhiều.
Điều đó không chỉ gây tổn hại lớn tới nền kinh tế Nga mà còn cả với các nền kinh tế châu Âu, dẫn tới nguy cơ chia rẽ trong nội bộ NATO.
Với cuộc khủng hoảng Ukraine, NATO đang phải đối mặt với một mối đe dọa an ninh rõ ràng. Tuy nhiên, châu Âu vẫn chưa thể tìm ra được cách phản ứng thích hợp nhất.
Trong khi NATO đang lúng túng thì hầu như không ai hy vọng tình hình Ukraine sẽ lắng xuống bất chấp những dấu hiệu tích cực sau khi lệnh ngừng bắn Minsk 2 được kí kết hôm 12/2.
Các nhà ngoại giao và các nhà phân tích phương Tây thậm chí còn dự đoán rằng căng thẳng sẽ còn leo thang hơn nữa.
Những căn cứ mà họ nêu ra để dẫn đến nhận định trên là khả năng Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở bán đảo Crimea; bất ổn hơn nữa ở các thành phố như Mariupol và thậm chí là cả Odessa; sự phát triển của lực lượng ly khai, sự lung lay của chính phủ thân phương Tây ở Kiev.
Theo New York Times, chính phủ của Tổng thống Ukraine Poroshenko đang vừa phải đối phó với ly khai vừa phải nỗ lực cải tổ kinh tế, chống tham nhũng để có thể nhận đầy đủ các khoản cho vay và tài trợ từ phương Tây.
Nói về khả năng Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân của Nga ở Crimea, ông Zbigniew Brzezinski, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói: “Tôi không chắc chúng ta sẽ thành công trong việc thuyết phục Nga rằng chúng ta đã sẵn sàng ngăn chặn các chính sách của họ”.
Ông Zbigniew cũng nói thêm rằng: "Nga có thể theo đuổi một chính sách quyết đoán về Ukraine vừa đủ tránh một cuộc đối đầu quân sự với phương Tây nhưng vẫn khiến kinh tế Ukraine hoàn toàn suy sụp”.
Ông cũng khẳng định, bất chấp việc bị trừng phạt, Nga vẫn là một cường quốc lớn, có ảnh hưởng lớn đối với tình hình địa chính trị châu Âu.