Sputnik cho rằng quyết định gia nhập khối NATO vào năm 1952 của Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn mang mục đích quân sự.
Bởi với tư cách thành viên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp đồng minh phương Tây tránh được sự bành trướng của Liên Xô cũ trong khu vực.
Theo quan điểm của phương Tây, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ là vô cùng đúng đắn trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, theo American Thinker, hiện giờ, NATO không còn cần tới Thổ Nhĩ Kỳ và đây là lúc loại bỏ Ankara đặc biệt là trong bối cảnh nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ mật thiết với các tay súng Hồi giáo ở Trung Đông.
Cũng theo tạp chí của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ luôn là "một đứa trẻ hư trong NATO". Bởi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã lợi dụng tư cách thành viên NATO để đạt được những tham vọng chính trị không hề phục vụ lợi ích của NATO.
Điển hình, vào năm 1974, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện tấn công và chiếm đóng đảo Síp, dẫn tới những xích mích trong nội bộ NATO. Kết quả Hy Lạp rút toàn bộ lực lượng ra khỏi liên minh cho tới năm 1980.
Tới năm 2012, sau nhiều lần vi phạm trái phép không phận, Không quân Syria đã bắn rơi một chiếc chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ. Sự việc này dẫn tới những đối đầu không mong muốn trong khối NATO.
Theo tạp chí Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ luôn duy trì mối quan hệ với các nhóm hồi giáo do những yếu tố mang tính lịch sử.
Để bảo vệ tư cách thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ còn tăng cường mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực mà khả năng là để hỗ trợ cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS bằng cách tiến hành các cuộc trao đổi mua bán dầu mỏ phi pháp với lực lượng khủng bố này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh IS không ngừng lớn mạnh và thực hiện hàng loạt cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) cùng Mỹ có chung mục tiêu là tiêu diệt IS càng sớm càng tốt.
Do đó, NATO không thể dung thứ cho việc một thành viên trong khối "giả vờ làm bạn nhưng lại đâm sau lưng phương Tây".
Và đây là lý do vì sao Thổ Nhĩ Kỳ cần bị loại bỏ khỏi NATO, tạp chí American Thinker nhận định.
Thay vào đó, NATO nên cân nhắc về những lợi ích chung với Nga do hai bên đang cùng tham gia cuộc chiến chống lại nhóm hồi giáo cực đoan.
Còn hiện tại, NATO đang bị đẩy vào tình thế khó xử khi hôm 24/11, oanh tạc cơ Su-24 của Không quân Nga bị 2 chiếc chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi khi đang hoạt động trong không phận Syria.
Hậu quả, một trong hai phi công lái Su-24 thiệt mạng và người còn lại được quân đội Syria giải cứu.
Chưa dừng lại, trực thăng Mi-8 của Nga tiếp tục bị tấn công khi đang trên đường tìm kiếm các phi công trong vụ rơi Su-24, khiến một binh sĩ Nga thiệt mạng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng cho rằng Ankara đã hành động đúng để bảo vệ quyền chủ quyền lãnh thổ trước các mối đe dọa khi máy bay Nga vi phạm không phận nước này.
Song dữ liệu chuyến bay được Bộ Quốc phòng Nga công bố lại cho thấy chiếc Su-24 không bay vào vùng không phận của Thổ Nhĩ Kỳ và bị tấn công ngay khi đang làm nhiệm vụ trên bầu trời Syria.