Kế hoạch thất bại vì “lính ủy quyền” này mau chóng đầu hàng, giao nộp vũ khí cho tổ chức khủng bố, hoặc có thể đã bị IS tiêu diệt.
Lãnh đạo quân sự Anh-Mỹ từng bàn ý tưởng lập “đạo quân ủy quyền” ở Syria hồi cuối năm 2011, nhưng không có được sự ủng hộ chính trị.
Hai năm sau, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho CIA lập chương trình huấn luyện và cung cấp vũ khí hạn chế cho các nhóm quân nổi dậy.
Năm 2014, Nhà Trắng cẩn trọng lập kế hoạch tương tự để đánh IS. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ lúc ấy, ông Chuck Hagel cùng các lãnh đạo quân sự gởi những văn bản riêng đến Nhà Trắng, đề nghị làm rõ mục tiêu của chương trình.
Nhưng Nhà Trắng hoãn trả lời vài câu hỏi khó nhất, cho đến khi có “lớp” đầu tiên vào Syria. Các câu hỏi là Mỹ có nên bảo vệ “lính ủy quyền” bị quân Syria tấn công, hoặc có sơ tán họ nếu họ bị thương ?
Công tác xét tuyển quá phức tạp
Vì Nhà Trắng và quốc hội Mỹ không muốn chuốc liều, họ không muốn tuyển những kẻ khủng bố vốn có thể quay súng tiêu diệt “thầy” Mỹ, hoặc cướp vũ khí Mỹ rồi bỏ trốn.
Khi có kế hoạch lập “quân ủy quyền” địa phương đánh IS, cuối năm ngoái, Bộ quốc phòng Mỹ yêu cầu chỉ huy các nhóm quân nổi dậy (đòi lật đổ chế độ Tổng thống Bashar Assad của Syria) giới thiệu những tay súng giỏi nhất.
Họ cung cấp từ 7.000 đến 8.000 người.
Tiếp đó, các sĩ quan Mỹ mất hơn một tháng kiểm tra từng ứng viên, đề phòng họ phạm tội hình sự hoặc có liên hệ với khủng bố.
Công tác xác minh lý lịch này khá vất vả, so sánh những cái tên giống nhau, còn phải liên hệ các cơ quan tình báo khu vực vì Mỹ không có riêng dữ liệu đầy đủ.
Ban đầu, phải mất từ 4 đến 6 tuần mới tuyển được 1 tay súng. Sau này thời gian xét tuyển giảm từ 2 đến tuần.
Người được chọn được đưa đến các “trung tâm tuyển sinh”, các quan chức Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) và Jordan phỏng vấn, hỏi họ về IS và Mặt trận Nusra (một nhánh ở Syria của Al Qaeda)…trong khoảng 1 giờ/người.
Rồi ứng viên chờ vài ngày để biết có được tuyển hay không. Người đến trung tâm bị lầm lẫn về nhiệm vụ. Khi biết “tuyển sinh” để đánh IS chứ không phải đánh quân Assad, nhiều người bỏ về.
Các quan chức quân sự Mỹ cho biết: Họ đã không nói rõ cho ứng viên biết là không được đánh quân Syria, và không nói Mỹ sẽ không hỗ trợ họ nếu họ đánh quân Syria.
Hồi tháng trước, đại tá Mohammad Daher (còn có tên Abu Husam) là một trong những ứng viên đầu tiên qua được khâu tuyển chọn, nói đội ông có 30 người thì một nửa bỏ cuộc, khi biết họ chỉ được cho phép đánh IS.
Maher nói “Nay tôi chỉ còn vài lính. Chúng tôi không có súng, không phương tiện và chúng tôi đang ráng thoát qua Thổ Nhĩ Kỳ”.
Những người khác không phù hợp, gồm một tay súng bị thương nặng cũng đến trình diện “trung tâm tuyển sinh”.
Đích thân Thiếu tướng Mỹ Mike Nagata quyết định chọn ai để phỏng vấn. Một số ứng viên không đến. Một số người bị loại vì chưa đủ tuổi, trình giấy tờ tùy thân giả.
Các chỉ huy quân sự Mỹ muốn huấn luyện các tay súng theo từng nhóm 300 người, nhưng khâu tuyển chọn và vì thiếu điều kiện hậu cần, Lầu Năm Góc chỉ lập các “lớp” từ 50 đến 70 “học viên”.
Tướng Mỹ quyết sai, “lính ủy quyền” đầu hàng khủng bố
Bị sức ép phải chứng minh kế hoạch thành công, giữa tháng 7.2015, tướng Nagata- chỉ huy chương trình-quyết tung nhóm “lính ủy quyền” đầu tiên vào miền bắc Syria.
Nhóm đầu tiên có 54 tay súng được chọn, chủ yếu là người của Tiểu đoàn 30, một đơn vị của nhóm nổi dậy “Bộ binh Syria tự do” (FSA) có phương tây chống lưng.
Nhóm tốt nghiệp này lãnh tiền đầy túi, nhận lệnh: “Hãy về nước, đoàn tụ với gia đình. Chúng ta sẽ gặp lại nhau trong vài ngày nữa”.
Ban đầu, Lầu Năm Góc muốn nhóm này từ miền nam TNK vào miền bắc Syria, thông qua một vị trí biên giới tương đối an toàn. Nhưng TNK buộc họ phải đi một tuyến gần thành phố Aleppo (bắc Syria).
Tướng Nagata đồng ý, vì vùng này có nhiều tay súng Hồi giáo dòng Sunni có quan hệ tốt với tình báo TNK.
Nhưng sự thay đổi cũng khiến “lính ủy quyền” của Mỹ dễ lọt vào bẫy phục kích của Mặt trận Nusra.
Người phát ngôn của Tiểu đoàn 30 có chiến danh Abu Iskandar, nói 13 “lính ủy quyền” ở lại TNK thăm gia đình và bị kẹt, khi TNK đóng cửa biên giới sau một vụ tấn công của khủng bố.
Trong số “lính ủy quyền” về Syria, khoảng 15 người theo một chỉ huy của Tiểu đoàn 30 đi đánh quân Assad, chứ không đánh IS.
Abu Iskandar nói 7 tay súng ở phía bắc Syria bị Mặt trận Nusra tấn công ngay tại chốt chỉ huy của họ. Sau đó, cả “lớp” đầu tiên bị rã đám.
“Lính ủy quyền” nói họ không dám mặc quân phục do Mỹ cấp nữa, vì sợ bị tấn công. Ngày 19.9, Daher rút khỏi Tiểu đoàn 30 với lý do thiếu sự hỗ trợ và điều phối của Mỹ.
Đại tá Patrick Ryder, người phát ngôn của Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ (điều hành chương trình huấn luyện “lính ủy quyền”) nói 9 trong 54 tay súng của “lớp” đầu tiên vẫn còn hoạt động với Mỹ Syria. Abu Iskandar nói chỉ còn 3 người chiến đấu.
Vì Mỹ không hiện diện ở chiến trường Syria, các chỉ huy quân sự Mỹ không thể theo dõi “lính ủy quyền” vốn chỉ báo cáo công tác với chỉ huy người Syria của họ.
“Lớp” thứ hai gồm 70 tay súng sốt ruột về Syria, qua biên giới ngày 20.9. Thay vì hướng ra trận tuyến đánh IS, khoảng 30 lính thỏa thuận đầu hàng Mặt trận Nusra, theo các quan chức Lầu Năm Góc. Để được về an toàn, họ giao 6 xe tải và một số đạn cho Mặt trận Nusra.
Bộ chỉ huy Mỹ ban đầu bác bỏ tin “lính ủy quyền” giao súng cho tổ chức khủng bố này, nói ảnh chụp phương tiện Mỹ do Mặt trận Nusra công bố thực ra là từ trang facebook của một tay súng của “lớp” đầu tiên.
“Lớp phó” của nhóm thứ hai cũng nói toàn bộ vũ khí của họ vẫn còn, trưng ảnh để chứng minh. Khi “lớp trưởng” báo cáo Bộ chỉ huy Mỹ, ông ta mới thú nhận đã giao xe, đạn cho khủng bố.
Lầu Năm Góc hiện vẫn điều tra số vũ khí Mỹ đã bị chuyển cho khủng bố hay chưa. Họ ngưng đưa các tay súng mới đến “trung tâm tuyển sinh”, chờ có quyết định về tương lai của kế hoạch”.
“Lớp” thứ ba đã đồng ý ở lại Jordan, nơi đang giúp huấn luyện “lớp” thứ tư. Chưa rõ hai “lớp” này có được đưa về Syria hay không.
Lính Mỹ huấn luyện quân nổi dậy
Ông Obama thừa nhận kế hoạch đổ bể
WSJ đã phỏng vấn nhiều cựu-đương kim quan chức Mỹ và quân nổi dậy tham gia nỗ lực lập “đạo quân ủy quyền”. Họ thừa nhận đã đánh giá thấp tính phức tạp của chiến trường.
Ngày 2.10, khi được hỏi về sự thất bại của chương trình huấn luyện “lính ủy quyền” người Syria, ông Obama thừa nhận “chương trình này không hiệu quả như mong muốn, dẫn giải sự khó tìm đồng minh ở Syria sẵn sàng đánh IS thay vì chỉ lo lật đổ chế độ Assad.
Các quan chức Lầu Năm Góc nói họ biết ngay từ đầu, rằng khó lập “lính ủy quyền” từ những nhóm nổi dậy ô hợp người Syria.
Họ nói không có tin tình báo chính xác, nên khó (hoặc không thể) biết nhóm nổi dậy nào chịu đánh IS cho Mỹ.
Kế hoạch đổ bể làm giảm tầm ảnh hưởng quân sự-ngoại giao của Mỹ, tạo cơ hội cho Nga-đồng minh lâu năm của Syria-thực hiện hỗ trợ quân sự cho chế độ Assad.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lệnh cho không quân ném bom các mục tiêu IS trong 5 ngày liên tiếp.
Liên minh quân sự sắp đánh lớn ?
Sau khi Nga can thiệp, các đồng minh khu vực của Mỹ-gồm TNK-muốn chính quyền Obama tăng cường nỗ lực huấn luyện và cung cấp vũ khí hạng nặng cho các tay súng nổi dậy.
Các quan chức Mỹ-TNK nói TNK đã chuyển đề nghị này đến Mỹ hồi tuần trước. Nhưng làm thế là công khai thách thức Moscow, làm gia tăng căng thẳng: đấy là những hướng mà lâu nay chính quyền Obama muốn tránh.
Ngày 2.10, ông Obama nói sẽ làm mọi điều cần thiết để đánh IS ở Syria và Iraq. Theo báo New York Times, ông Obama đã lần đầu tiên ra lệnh Lầu Năm Góc trực tiếp cấp đạn và có thể một số vũ khí cho quân nổi dậy.
Ông cũng ủng hộ ý tưởng không kích IS thật mạnh, với chiến đấu cơ cất cánh từ một căn cứ không quân ở TNK.