Báo chí Trung Quốc đang nói gì về tình hình trên Biển Đông?

Truyền thông TQ đang “la làng” lên một cách vô lý đòi Bắc Kinh phải có “hành động mạnh mẽ” hơn trên biển Đông trong khi cố tình lờ đi sự ngang ngược trong chính hành động của mình.

 Phẫn nộ: Giàn khoan Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam

Những ngày này, truyền thông Trung Quốc đang “la làng” lên một cách vô lý đòi Bắc Kinh phải có “hành động mạnh mẽ” hơn trên biển Đông trong khi cố tình lờ đi sự ngang ngược trong chính hành động của mình.

Ngày 7/5, Việt Nam tổ chức một cuộc họp báo quốc tế, công bố những hình ảnh tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam, cố tình định neo đậu và cắm giàn khoan trong vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Chiều cùng ngày, các báo Trung Quốc cũng đăng tin Phillipines bắt giữ 11 ngư dân Trung Quốc vì những người này săn rùa biển trong vùng biển đang có tranh chấp căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh.

Ngoài ra, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng đang có tranh chấp với Trung Quốc trong khu vực Biển Đông. Trước tình hình này, tiêu điểm của hầu hết các báo chí Trung Quốc đều hướng về biển Đông, đặc biệt là những xung đột với Phillippines.

Truyền thông Trung Quốc dẫn các ý kiến chuyên gia của mình, cho rằng những hành động của Phillipines là một trong những “phép thử” của nước này sau chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Wang Xiaopeng, một nhà nghiên cứu của Học viện Khoa học Xã hội cho rằng Manila “muốn thử lòng đồng minh Mỹ của mình”.

“Một số nhà nghiên cứu Mỹ đã chỉ ra rằng Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong tranh chấp trên Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh và Washington sẽ không chiến đấu cho Phillipines. Có vẻ như Manila đang cố gắng thử xem những nhận định đó có đúng không”, tờ Thời báo Bắc Kinh dẫn lời nhận định của Wang.

Có cùng quan điểm với Wang, Wu Shicun, chủ tịch của Viện nghiên cứu Biển Đông Quốc gia đã phát biểu với tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng “Manila có vẻ đã mạnh bạo hơn trong tranh chấp với Bắc Kinh” sau khi ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Washington.

Mỹ và Phillipines đã ký một thỏa thuận có thời hạn 10 năm, cho phép tăng quy mô của lực lượng Mỹ đồn trú ở Phillipines.

Trước tình thế này, Huang Shengyou, một chuyên gia hàng hải của Trung Quốc đã lớn tiếng kêu gọi chính phủ Trung Quốc phải có những hành động cứng rắn hơn để “ngăn chặn Phillipines”.

“Bất kể Manila có thế lực chống lưng mạnh mẽ đến bao nhiêu, Bắc Kinh vẫn có đủ khả năng để chiến đấu lại… Nếu Phillipines không chịu thả ngư dân sớm, Trung Quốc phải trả đũa và dạy cho Phillipines một bài học”, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời Huang tuyên bố đầy khiêu khích.

“Dạy cho nước đó một bài học” dường như là câu khẩu hiệu "yêu thích" thể hiện sự hung hăng và hiếu chiến của truyền thông Trung Quốc mỗi khi nước này có xung đột với bất kỳ quốc gia nào, trong khi đó, báo chí Singapore đã thẳng thừng “vỗ mặt” Bắc Kinh rằng “Trung Quốc cần phải xem lại chính mình”.

Cùng trên Biển Đông và có phần gay gắt hơn nhiều nhưng những diễn biến về những hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc khi đâm tàu Việt Nam trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam lại xuất hiện rất dè dặt trên mặt báo Trung Quốc.

Lý do của tình trạng này, có thể vì phía Trung Quốc không tìm được bất kỳ "lý do chính đáng" nào để bao biện cho hành động bạo lực của mình trong vùng biển của Việt Nam.

Những ngày qua, các tàu Kiểm Ngư và Cảnh sát Biển của Việt Nam đang nỗ lực để ngăn không cho Trung Quốc đặt giàn khoan khổng lồ của họ trên vùng biển thuộc thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc đã có những hành động gây hấn nghiêm trọng như đâm va tàu của Việt Nam nhưng trên mặt báo Trung Quốc chỉ có một vài bình luận lẻ tẻ của các chuyên gia và vài tờ báo của Bắc Kinh.

“Cho đến nay, chúng tôi chỉ nghe được các thông tin từ phía Việt Nam mà không nghe gì nhiều từ phía Trung Quốc”, BBC dẫn lời một phát thanh viên của kênh truyền hình vệ tinh Vân Nam nói.

Song Zhongping, một nhà phân tích quân sự của Trung Quốc, đã “dọa nạt” trên truyền hình rằng “đây là một hành động khiêu khích nghiêm trọng của Việt Nam” và rằng “nếu Việt Nam tiếp tục, Trung Quốc có thể gửi tàu chiến” đến nơi mà họ ngang ngược nhận là “vùng lãnh thổ của Trung Quốc”. Trên thực tế, viên chức này cố tình lờ đi một điều rằng chính Trung Quốc mới đang là bên đi gây hấn trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Một bài báo hiếm hoi khác có đưa một chút tin về những hành động vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông của trang Zhonghua Net đã tìm cách đổ lỗi rằng “chính Việt Nam và Phillipines đã ép Bắc Kinh phải đáp trả”.

Tờ báo này đang cố “đổi trắng thay đen” bản chất sự việc. Trên thực tế, các lực lượng của Trung Quốc đã đi gây hấn trước và Việt Nam chỉ đang nỗ lực hành động lại để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, chính Việt Nam mới đang ở thế "bị ép phải phản kháng".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại