Bài báo viết về Tân Cương khiến Trung Quốc chỉ trích Pháp gay gắt

Hải Võ |

Bài viết liên quan đến chính sách của Bắc Kinh ở Tân Cương đăng trên một tạp chí nổi tiếng của Pháp đang khiến truyền thông Trung Quốc phản ứng gay gắt.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho biết, Ursula Gauthier - phóng viên trú Bắc Kinh của tờ tuần báo Pháp nổi tiếng Le Nouvel Observateur - hôm 18/11 đã đăng tải bài viết trên website của tạp chí này mà theo phía Trung Quốc là "vô cùng khó nghe".

Hoàn Cầu chỉ trích nhà báo Pháp có những bình luận tiêu cực về những kêu gọi mới đây của Bắc Kinh liên quan tới việc "không áp đặt tiêu chuẩn kép đối với vấn đề chống khủng bố của Trung Quốc".

Bài viết đăng tải trên Le Nouvel Observateur đã gọi đề nghị của Bắc Kinh là "sự tranh thủ" trong khi bày tỏ chia buồn tới Pháp sau vụ khủng bố ở Paris hôm 13/11.

Theo Hoàn Cầu, Le Nouvel Observateur "phê phán mạnh mẽ chính sách dân tộc của Trung Quốc tại Tân Cương", trực tiếp tuyên bố "tình trạng bạo lực ở Tân Cương phần nhiều do sự trấn áp vô tình của chính phủ Trung Quốc".

Trong bài viết hôm 18, Ursula Gauthier nêu ra một số ví dụ về "hoạt động trấn áp vô tình", bao gồm việc cấm sử dụng tên Muslim, công chức trong thời gian ăn chay bắt buộc phải ăn ở những quảng trường đông đúc.

Bên cạnh đó, tác giả cũng cho rằng tại Tân Cương, đàn ông để râu hay phụ nữ che mặt bị xem như dấu hiệu chủ nghĩa khủng bố tôn giáo, thanh niên không hút thuốc uống rượu bị nghi là thành viên Hồi giáo cực đoan...

Thời báo Hoàn Cầu phản ứng lại và cáo buộc những "ví dụ" mà nhà báo Pháp đưa ra đã "bẻ cong một cách nghiêm trọng tình hình thực tế Tân Cương". Những học giả người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đều tỏ ra hết sức phẫn nộ và cho rằng báo Pháp đã viết bừa bãi, tờ này cho hay.

Tuần báo Pháp
Le Nouvel Observateur
Tạp chí có trụ sở tại Paris này thành lập năm 1950 dưới tên France-Observateur, sau đó đổi thành Le Nouvel Observateur kể từ năm 1964. Bắt đầu từ 23/10/2014, tạp chí được gọi đơn giản là L'Obs. Đây là một trong những tạp chí nổi bật nhất ở Pháp về lượng độc giả và lượng phát hành.

Theo Hoàn Cầu, Gauthier thừa nhận chính phủ Trung Quốc đã ủng hộ chính phủ và người dân Pháp chống lại chủ nghĩa khủng bố và người dân Trung Quốc cũng thể hiện sự cảm thông bằng nhiều hình thức khác nhau.

Tuy nhiên, điều này "đã không gây được bất kỳ sự đồng cảm nào (từ nhà báo Gauthier) đối với những nạn nhân của khủng bố ở Trung Quốc".

"Bài viết của Ursula Gauthier không có một câu nào thể hiện lòng trắc ẩn đối với những người bị hại của Trung Quốc," Hoàn Cầu gay gắt.

Bài viết này cũng được mô tả là gồm 3 tiêu đề nhỏ trong bài: "3 màu xanh, trắng, đỏ", "Hàng lậu" và "Sự trấn áp vô tình"; bị báo chí Trung Quốc phản ứng là "phiến diện một cách đáng kinh ngạc".

Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, tác giả bài báo đã không phỏng vấn thân nhân những người bị hại trong các sự kiện khủng bố và chỉ trích Le Nouvel Observateur "chỉ xem con người như những ký hiệu chính trị".

"Trên thế giới này không có đạo lý 'sát hại dân thường ở Pháp là tội ác, còn ở Trung Quốc thì bình thường'," tờ báo Trung Quốc viết, đồng thời khẳng định tạp chí Pháp đã bị rơi vào góc nhìn cực đoan.


Bộ đội biên phòng Trung Quốc ở Tân Cương diễn tập chống khủng bố. Ảnh: Peoples Daily

Bộ đội biên phòng Trung Quốc ở Tân Cương diễn tập chống khủng bố. Ảnh: People's Daily

Nếu làm Bắc Kinh bất mãn, Pháp sẽ bế tắc ở Syria?

Trang Phượng Hoàng (Trung Quốc) phân tích, vụ khủng bố máy bay Nga ở Ai Cập, con tin Trung Quốc bị IS sát hại và vụ khủng bố đẫm máu ở Paris về lý thuyết là cơ sở để Nga-Trung-Pháp hợp tác tích cực hơn trong một chiến tuyến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo đó, mặc dù quân đội Trung Quốc không can thiệp quân sự tại Syria, song nước này đã hỗ trợ Nga mạnh mẽ trong bối cảnh phương Tây áp đặt trừng phạt đối với Nga.

Theo Phượng Hoàng, sự ủng hộ từ Bắc Kinh không chỉ giúp Nga duy trì hành động quân sự tại Syria mà còn bảo đảm nền kinh tế Nga phát triển ổn định.

Trang này bình luận, dù Pháp chưa tuyên bố sẵn sàng liên kết với Nga trong chiến dịch quân sự, nhưng sự xâm phạm giới hạn của Trung Quốc về chính sách dân tộc và chống khủng bố Tân Cương sẽ khiến Paris "đối diện thách thức rất lớn nếu muốn hợp tác với Nga chống khủng bố ở Trung Đông".


Báo Trung Quốc tin rằng nếu không hợp tác được với Nga, Pháp khó có thể thành công trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Ảnh: AP

Báo Trung Quốc tin rằng nếu không hợp tác được với Nga, Pháp khó có thể thành công trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Ảnh: AP

Ngay sau vụ khủng bố ở Pháp, nước này đã điều động tàu sân bay Charles de Gaulle mang theo 26 chiến đấu cơ tới Syria để tham gia chiến dịch tấn công IS.

Trong khi đó, so với Pháp, số máy bay ném bom chiến lược tham gia cuộc không kích ở Raqqa, Syria hôm 17/11 đã là 25 chiếc; số chiến đấu cơ tại căn cứ không quân Latakia là 28 chiếc.

Phượng Hoàng cho rằng, sức mạnh của Pháp tại Syria không thể so sánh với Nga, và nếu không phối hợp được với Nga thì họ cũng rất khó đạt được hiệu quả tấn công các mục tiêu trên mặt đất như ý muốn, do đó không bảo đảm được hiệu quả của chiến dịch

Cũng theo Phượng Hoàng, nếu quan hệ Trung-Pháp bị xa rời "vì những tờ báo như Le Nouvel Observateur" thì Moscow hiển nhiên sẽ phải gìn giữ mối hợp tác chặt chẽ về kinh tế, quân sự, chính trị với Bắc Kinh, đẩy Pháp thành "kẻ bên lề" với vai trò mờ nhạt trên chiến trường Syria.

"Điều này nếu xảy ra sẽ làm phụ lòng hàng trăm linh hồn nạn nhân bị khủng bố ở Paris ngày 13/11. Đó là hậu quả mà chính phủ và truyền thông Pháp tự gây ra và tự gánh chịu," Phượng Hoàng nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại