Trung Quốc thờ ơ trước khủng bố?
"[Tổng thống Mỹ Barack] Obama chỉ biết nói khoác".
"Sự can thiệp của phương Tây và những màn bắn phá của Mỹ để trục lợi về mặt kinh tế mới là ngọn nguồn của các vấn đề Trung Đông".
"Nếu một ngày nào đó IS bắt cóc một người Trung Quốc, chúng ta sẽ làm gì? Ngoài việc kêu gào chỉ trích trên mạng, chúng ta cũng chỉ biết ngồi đó chấp nhận một thảm kịch".
Đây là nội dung một số phản ứng của người Trung Quốc trên mạng xã hội Weibo, sau khi thông tin về vụ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thiêu sống dã man phi công người Jordan được truyền thông nước này đăng tải.
Có thể thấy, thay vì kêu gọi chính phủ ra quân dập tắt tổ chức khủng bố này, phần lớn nội dung các "comment" lại tập trung vào việc đổ lỗi.
Còn với những người kêu gọi hành động, thay vì muốn Trung Quốc hỗ trợ về mặt quân sự, chủ yếu họ lại kêu gọi Liên Hiệp Quốc (LHQ) và cộng đồng thế giới ra tay.
Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) nhận định, suy nghĩ của cộng đồng mạng Trung Quốc cũng có nhiều điểm tương đồng với sự lãnh đạm của chính quyền nước này trước khủng bố.
Mặc dù là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, ngoài việc vài lần lên tiếng hứa "sẽ giúp đỡ", Trung Quốc chưa hề có bất kì động thái quân sự nào kể từ khi mạng lưới khủng bố IS xuất hiện vào tháng 6 năm ngoái.
Về phần mình, đại diện nước này đã nhanh chóng lên án IS sau vụ hành quyết viên phi công Jordan vừa qua.
"Trung Quốc kịch liệt lên án hành vi man rợ [của IS]. Chúng tôi cương quyết chống lại khủng bố dưới mọi hình thức", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trả lời phỏng vấn tại một cuộc họp báo hôm 4/2.
Tuyên bố này có nội dung tương tự với phản ứng trước đó của Trung Quốc sau vụ IS tung video ghi lại cảnh hành hình dã man nhà báo Nhật Bản Kenji Goto.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến nay vẫn chưa có một phát biểu chính thức nào về các hành vi khủng bố.
Theo tác giả David Wertime trong bài viết đăng trên Foreign Policy, không ai biết rõ bước đi tiếp theo của Trung Quốc trong chiến dịch chống khủng bố toàn cầu sẽ là gì. Nhưng có một điều chắc chắc, nước này sẽ không giữ vai trò đi đầu.
Quan điểm thực sự của Trung Quốc
Một dấu hiệu thể hiện lập trường của Trung Quốc, theo ông Wertime, có thể thấy qua bài báo đăng trên trang web chính thức của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV hôm 4/2 vừa qua.
Trong bài viết, nhà nghiên cứu các vấn đề Trung Đông Li Shaoxing mỉa mai tuyên bố mới đây của Tổng thống Obama rằng thế giới cần "đồng tâm hiệp lực" chống lại IS.
"Thế giới đã cùng chung tiếng nói trong việc tấn công và loại bỏ tổ chức này từ lâu rồi. Việc phi công al-Kasasbeh hay một người dân vô tội khác bị chúng hành quyết cũng không làm thế giới "đồng lòng hơn".
Vấn đề không phải là đoàn kết ra sao, mà là hành động phải hiệu quả như thế nào", ông Li viết.
Tiếp theo, vị học giả này cho rằng xét về tương quan lực lượng, IS không thể so sánh với chỉ riêng Mỹ chứ chưa nói gì đến tổng thể cả liên minh chống khủng bố.
"Người ta nói rằng IS là tổ chức khủng bố hùng mạnh nhất thế giới với 30.000 chiến binh và 2 tỉ USD ngân sách, nhưng những con số này chẳng là gì so với sức mạnh quân sự của Mỹ.
Thế nên vấn đề ở đây không phải là liệu Mỹ có thể tiêu diệt IS... mà là Mỹ có thực sự quyết tâm muốn làm vậy hay không".
Học giả Li Shaoxing: "vấn đề ở đây không phải là Mỹ liệu Mỹ có thể tiêu diệt IS... mà là Mỹ có thực sự quyết tâm muốn làm vậy hay không" Ảnh: Getty Images.
Ông Li kết luận, việc Mỹ vẫn còn chần chừ "không khỏi khiến chúng ta nghĩ rằng, chừng nào Mỹ còn chưa thật sự quyết tâm tiêt diệt IS, những vụ việc như phi công Jordan hay nhà báo Nhật Bản gần đây sẽ còn tiếp diễn".
Tuy nhiên, trong suốt cả bài viết, ông Li không hể đả động tới việc lực lượng quân đội mạnh hàng đầu thế giới của Trung Quốc chưa hề có đóng góp gì trong chiến dịch này.
Thật ra, không thể nói rằng Trung Quốc chưa hề tham gia vào bất kì một động thái chống khủng bố nào.
Kể từ tháng 8 năm trước, chính quyền nước này đã tăng cường an ninh ở mức tối đa tại Tân Cương, khu tự trị tập trung nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan người Duy Ngô Nhĩ, nơi chính lãnh đạo IS là Abu Bakr al-Baghdadi từng công khai tuyên bố là một mục tiêu của IS.
Tuy nhiên, việc tăng cường an ninh ở Tân Cương, theo ông Wertime, là một động thái mang ý nghĩa bảo vệ vùng trọng địa của nước này hơn là tham gia vào chiến dịch chống IS ở cấp toàn cầu.
Theo ông Wertime, lập trường của Trung Quốc có thể thay đổi hoàn toàn trong trường hợp một người dân nước này:
- Xuất hiện trong trang phục IS (một điều không phải là không có cơ sở, khi một số báo cáo ước lượng đã có khoảng 300 cư dân Trung Quốc tới Trung Đông để gia nhập tổ chức này).
- Bị tổ chức IS bắt cóc. Trong trường hợp này, áp lực từ dư luận có thể sẽ khiến Trung Quốc phải hành động mạnh tay hơn, đặc biệt với lối suy nghĩ dân tộc chủ nghĩa của đông đảo người dân nước này.
Kết thúc bài viết, ông Wertime trích lời một cư dân mạng trên Weibo:
"Hi vọng nếu IS bắt một người Trung Quốc, thì đó là một quan tham".
Vì sao?
"Để ông ta có thể trả tiền chuộc và tự cứu lấy mình".
***Reuters dẫn tin từ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) ngày 5/2 cho biết, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã hành quyết 3 tay súng người Trung Quốc tham gia hàng ngũ của IS ở Syria và Iraq, nhưng sau đó lại tìm cách bỏ trốn.