ASEAN: Mảnh đất vàng cho Nga trong khủng khoảng trừng phạt

Đức Dũng |

Với tựa đề trên, báo Kommersant (Nga) có bài bình luận về vấn đề này, trong đó cho biết ASEAN là thị trường lớn thứ 4 sau EU, Mỹ và Trung Quốc.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Trong bối cảnh quan hệ Nga – Phương Tây ngày càng căng thẳng, Moscow đang cố gắng gia tăng sự hiện diện kinh tế và chính trị trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (ATR), khu vực này hiện nay đang là thị trường cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc.

Tham dự Hội nghị Bộ trưởng Nga - ASEAN diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cố gắng thuyết phục ASEAN và đại diện các doanh nghiệp lớn của các quốc gia thuộc Hiệp hội này rằng, mặc dù bị ảnh hưởng do các biện pháp trừng phạt bất hợp lý từ Phương Tây và NATO, Nga vẫn đang kiểm soát tốt mọi vấn đề trong nước.

Nga dự định tăng cường quan hệ với các quốc gia thành viên nói riêng và ASEAN nói chung. ASEAN được coi là thị trường tiềm năng  thứ 4 trên thế giới, sau Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Quốc.

Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Nga – ASEAN diễn ra hôm 6/8 tại Kuala Lumpur, Bộ ngoại giao Nga cho biết, mục đích của phái đoàn Nga lần này là tăng cường củng cố vị thế của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phát biểu tại hội nghị, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: “Nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ hợp tác đối thoại của Nga và ASEAN, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch nhằm thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc giữa 2 bên”.

Tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết, dự kiến tới năm 2030, ASEAN sẽ là thị trường lớn thứ 4 trên Thế giới sau EU, Mỹ và Trung Quốc.

Có thể thấy rằng, các nhà lãnh đạo Nga có cái nhìn rất lạc quan về hiện tại cũng như tương lai của ASEAN và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Bộ trưởng Nga Sergey Lavrov, hiện nay ATR đang giữ vị thế điều khiển tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khu vực này chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu và 45% các nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Trong một cuộc họp kín, Ngoại trưởng Nga nói rằng việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu với Việt Nam – thành viên của ASEAN – là một dự án thí điểm.

Moscow hy vọng tiếp theo sau Việt Nam sẽ là các quốc gia khác trong khu vực.

Theo một nguồn tin trong Bộ ngoại giao Nga, hiện nay các cuộc đàm phán giữa Liên minh kinh tế Á-Âu với New Zealand đang gặp phải một số khó khăn tạm thời do Belarus không đồng ý với giá sữa của New Zealand.

Phát biểu tại cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp lớn của Malaysia, ông Lavrov đã cho thấy, Nga vẫn là địa điểm đầu tư hấp dẫn.

Trong năm qua, rất nhiều tuyên bố cho rằng nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Nga đã ổn định được tình hình trong nước, giải quyết một số tiêu cực, ổn định đồng nội tệ, bổ sung dự trữ quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp của Nga chỉ hơn 5%.

Ngoại trưởng Nga cũng nhắc nhở các nhà đối thoại rằng, Nga là một trong mười đối tác thương mại hàng đầu của khu vực ASEAN – lượng hàng hóa lưu thông đạt 21 tỷ đô la.

Tất nhiên con số này không quá ấn tượng nếu so sánh với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng vài năm trước, hàng hóa lưu thông của Nga chỉ đạt 10 tỷ đô la.

Nga đã mở rộng lộ trình phát triển hợp tác đầu tư và thương mại từ năm 2012 thông qua một số dự án.

Ngoài ra, Nga và ASEAN sẽ soạn thảo tài liệu khái niệm phản ánh tầm nhìn chiến lược mối quan hệ của 2 bên trong triển vọng dài hạn.

Tài liệu sẽ nhằm góp phần hỗ trợ công việc của "nhóm thông thái" Nga-ASEAN, được thống nhất quyết định thành lập tại Hội nghị Bộ trưởng lần này.".

Tham gia soạn thảo tài liệu này gồm có Hiệu trưởng Học viện quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) Anatoly Torkunov, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Losyukov, cựu phó giám đốc Tổ chức Hợp tác kinh tế Thượng Hải Mikhail Konarovsky, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương -Gleb Ivashentsov, Phó chủ tịch của tập đoàn "Irkut", Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hợp tác với Malaysia Vladimir Sautov.

Trong vài tháng tới, Nga-ASEAN sẽ thông qua kế hoạch phát triển hợp tác toàn diện cho giai đoạn 2016-2020.

Theo nguồn tin từ báo Kommersant, cuối tháng 8, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev sẽ tham dự các cuộc đàm phán với các đồng sự trong khối ASEAN tại Kuala Lumpur.

Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng sẽ công bố thành lập một Ủy ban hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật giữa Nga và ASEAN. Song song đó, một đoàn doanh nghiệp Nga sẽ sang thăm và làm việc tại Malaysia và Brunei.

Trong Hội nghị, Bộ trưởng Lavrov đã mời các doanh nghiệp ASEAN đến tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại Vladivostok vào đầu tháng Chín.

Mục tiêu tiếp theo là Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Nga - ASEAN, sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm nay trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh của ASEAN.

Theo quyết định trong hội nghị ngày 6/8, hội nghị thượng đỉnh Nga – ASEAN sẽ được tổ chức tại Moscow vào năm sau.

Theo ông Victor Tarusin  -Chủ tịch hội hợp tác doanh nghiệp Nga – ASEAN, Nga sẵn sàng đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng của các nước khu vực ASEAN, nhưng có một vài yếu tố ảnh hưởng tới việc đầu tư.

Trước tiên là vấn đề khác biệt về tâm lý: doanh nghiệp Nga quen làm việc theo tiêu chuẩn phương Tây.

Thứ hai là khía cạnh địa lý: khoảng cách giữa Nga và các nước ASEAN là quá xa. Vì vậy việc mở các văn phòng đại diện tại các nước ASEAN và giao tiếp hàng ngày với các đối tác là nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Một trở ngại quan trọng nữa là Nga ảo tưởng rằng, khu vực này đang mở rộng vòng tay chào đón Nga hợp tác.

Thực tế, thị trường châu Á-Thái Bình Dương có tính cạnh tranh cao, họ hưởng ứng hành động bán phá giá của Trung quốc và các cuộc vận động hành lang địa chính trị của Mỹ.

Do đó, việc Nga bắt đầu tham gia thị trường này thời điểm hiện tại là vô cùng khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại