"Ảnh chấn động vụ MH17" của truyền hình Nga có nguồn gốc thực sự từ đâu?

My Lan |

Ngay sau khi truyền hình Nga tung những bức ảnh khẳng định đó là bằng chứng mới về việc MH17 bị máy bay chiến đấu bắn hạ, nhiều người đã truy tìm nguồn gốc thật sự của nó.

Sau khi nghiên cứu các bức ảnh vệ tinh chấn động này, đa phần cư dân mạng trên khắp thế giới và các chuyên gia hàng không đã có cùng chung một quan điểm rằng, bức ảnh này đã bị làm giả mạo.

Trên trang Twitter của mình, chuyên gia hàng không Ross Hallam chỉ ra rằng, bức ảnh được truyền hình Nga coi là "bằng chứng" về việc MH17 bị Ukraine bắn hạ, thực chất đã xuất hiện từ ngày 15.10 trên một diễn đàn tiếng Nga. Trong diễn đàn đó, bức ảnh được chú thích rõ ràng là lấy từ nguồn WikiLeaks, và không rõ là của ai.

Trang web báo chí điều tra của Anh Bellingcat cũng phát hiện ra "sự thật" này và khẳng định, nó mâu thuẫn với nguồn gốc của bức ảnh mà truyền hình Nga khẳng định.

Chuyên gia hàng không Ross Hallam vạch trần nguồn gốc của Ảnh vệ tinh chấn động vụ MH17.

Chuyên gia hàng không Ross Hallam "vạch trần" nguồn gốc của "Ảnh vệ tinh chấn động vụ MH17".

Mỹ và một số nước phương Tây đã lên tiếng bác bỏ bức ảnh này. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, đây chỉ là đòn tuyên truyền của Nga nhằm che giấu sự thật và trốn tránh trách nhiệm trong thảm kịch MH17.

Đã có nhiều bằng chứng được cư dân mạng và chuyên gia Nga đưa ra, thể hiện sự nghi ngờ tính chân thực của bức ảnh vệ tinh này.

Bellingcat cho hay, bức ảnh này là sự lắp ghép của nhiều chiếc máy bay khác nhau và nhiều hình ảnh vệ tinh của Google Earth, thậm chí từ năm 2012.

Logo của hãng Malaysia Airlines trên chiếc máy bay trong ảnh vệ tinh cũng bị cư dân mang "tố" là đặt sai vị trí, còn chiếc máy bay MH17 là phiên bản được chỉnh sửa từ một trong những bức ảnh trên Google, khi tìm kiếm theo cụm từ "máy bay Boeing nhìn từ trên cao xuống". Nó được cho là một chiếc Boeing 767, chứ không phải là Boeing 777 như trên thực tế.

Báo Anh The Guardian dẫn lời kỹ sư Nga Mark Solonin nhận định, trong bức ảnh, cả hai máy bay đều có kích thước quá khổ so với những cánh đồng ở phía dưới mặt đất.

Đồng quan điểm này, nhà bình luận Andrei Menshenin của đài phát thanh Nga Ekho Mosky cũng cho rằng, góc tấn công của tên lửa trong bức ảnh vệ tinh không tương thích với vị trí chiếc máy bay gặp nạn tại hiện trường.

Thêm vào đó, hiện chưa xác thực được liệu "chuyên gia" George Bilt, người được khẳng định đã gửi những bức ảnh này Hiệp hội kĩ sư Nga RUE, có thực sự tồn tại hay không.

Trong một bản tin ngày 14/11, kênh truyền hình Nga Channel 1 đã công bố những bức ảnh vệ tinh "chấn động" về những phút cuối của chiếc máy bay mang số hiệu MH17 gặp nạn tại Ukraine. Theo kênh này, những bức ảnh được chụp trên quỹ đạo tầm thấp, trong đó nhìn rõ chiếc MiG-29, được cho là của Ukraine, bay gần MH17 và đường bay của quả tên lửa không đối không do nó bắn ra, nhằm thẳng vào chiếc máy bay xấu số.

Bức ảnh được công bố không lâu trước khi Tổng thống Nga Putin tham dự cuộc họp hội nghị thương đỉnh G2 ở Brisbane (Australia).

Theo Channel 1, bức ảnh này được George Bilt, một chuyên gia tự giới thiệu là từng tốt nghiệp Học viện công nghệ danh tiếng Mỹ MIT và có hơn 20 năm về hàng không gửi tới Hiệp hội Kỹ sư Nga RUE qua thư điện tử.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại