Ấn Độ: Độc chiêu tranh cử bằng nhà vệ sinh

Ấn Độ có thể phóng tàu vũ trụ lên sao Hỏa, nhưng lại bất lực trước vấn đề thiếu nhà vệ sinh.

Hôm thứ Ba, theo sáng kiến của Liên hợp quốc, Ngày toilet toàn thế giới (World Toilet Day) đã tổ chức lần đầu tiên trong lịch sử. Trước đó, Ngân hàng Thế giới trình bày báo cáo chỉ ra rằng 2,5 tỷ người trên thế giới không có toilet trong nhà và buộc phải đi vệ sinh ngoài trời. Trong số đó có 600 triệu người sống ở Ấn Độ, tức là hơn một nửa số hộ gia đình trong cả nước không có các tiện nghi cơ bản.

Đây không phải là một phát hiện gì mới mẻ, nhưng trong điều kiện hiện nay, chủ đề này có một ý nghĩa mới. Trước hết là bởi vì sắp tới sẽ có cuộc bầu cử, và phe đối lập tìm cách khai thác mọi tình hình có lợi cho họ. Và thứ hai, trong bối cảnh lạm dụng quyền lực tràn lan trong cả nước, trên thực tế, các chương trình cải thiện tình hình xã hội của chính phủ đã được sử dụng như một lĩnh vực tham nhũng mới quy mô lớn. Chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược Nga Boris Volkhonsky nói:

“Thực tế dân số của Ấn Độđiện thoại di động nhiều hơn so với nhà vệ sinh đã được nói đến lâu rồi. Nhận xét như vậy được thể hiện lần đầu tiên trong báo cáo của chuyên gia Liên Hợp Quốc năm 2010, kể từ đó đã trở thành “lời có cánh” và được các phương tiện truyền thông lặp đi lặp lại khi viết về chủ đề này. Hôm nay, chủ đề điện thoại di động thậm chí được bổ sung thêm chương trình vũ trụ. Nhiều người ở Ấn Độ và nước ngoài đang tự hỏi, tại sao một đất nước có khả năng phóng tàu vũ trụ lên sao Hỏa lại không có khả năng giải quyết một vấn đề có ảnh hưởng đến phần lớn dân số như vậy.”

Khoảng một tháng trước, khi Ấn Độ kỷ niệm ngày sinh của Mahatma Gandhi, ứng cử viên tranh chức thủ tướng của phe đối lập, ông Bharatiya Janata Narendra Modi đã đề cập đến chủ đề nhà vệ sinh. Trong bài phát biểu của mình, ông Modi cho biết: "Hình ảnh của tôi gắn liền với Hindutva, nhưng thực sự tôi nghĩ rằng vấn đề đầu tiên là chúng ta phải có nhà vệ sinh, và chỉ sau đó mới nói đến các ngôi đền.” Ông nói thêm: "Trong làng mạc có hàng trăm ngàn ngôi đền, nhưng không có nhà vệ sinh. Và điều đó thật tồi tệ.” Ông Boris Volkhonsky nói tiếp:

“Rõ ràng, qua phát biểu của chính trị gia đối lập, vấn đề chung cho cả nước Ấn Độ là một bằng chứng nữa cho thấy chính sách của Quốc hội cầm quyền Ấn Độ đã thất bại. Và rất ít người tự hỏi rằng ở bang Gujarat, nơi ông Modi từng là Bộ trưởng trong nhiều năm, tình hình không có gì khác biệt so với toàn bộ đất nước Ấn Độ nói chung.”

Dù sao đi nữa, nhà vệ sinh hiện nay có thể thực sự trở thành một trong những chủ đề quan trọng nhất trong chiến dịch tranh cử. Trước thềm Ngày toilet toàn thế giới, chính phủ Ấn Độ công bố thông tin cả nước sẽ xây dựng 37 triệu nhà vệ sinh. Tuy nhiên, các nhà hoạt động của Liên đoàn quốc gia Dalit lập luận rằng đây là sự dối trá rõ rệt và nhà vệ sinh chỉ tồn tại trên giấy mà thôi.

Mới đây, tờ "The Wall Street Journal" đăng một bài viết khá dài nói rằng ngay cả khi được xây dựng, các nhà vệ sinh cũng sẽ không giải quyết vấn đề, mà sẽ tạo ra những bất cập mới. Nhiều phụ nữ sợ đi vệ sinh công cộng một mình, vì đó là những nơi rất dễ bị xâm hại.

Không biết chiến dịch công chúng này phải có quy mô đến đâu thì mới có thể giải quyết được vấn đề. Nhưng tình hình đã quá chin muồi, và không nghi ngờ gì nữa, một chính phủ đang nghĩ đến uy tín toàn cầu và thậm chí uy tín vũ trụ của đất nước thì nhất định phải ngó xuống những vấn đề trần thế mà nhân dân quan tâm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại