Al-Qaeda trỗi dậy, hay màn kịch vụng về của người Mỹ?

Ngày 11/8, có 18 trên tổng số 19 cơ quan lãnh sự Mỹ tại các nước Trung Đông và châu Phi hoạt động trở lại sau một tuần bị đóng cửa do lo ngại lực lượng al- Qaeda thực hiện các vụ tấn công lớn nhằm vào các cơ quan trên.


	Các chiến binh Hồi giáo Al-Qeada (ảnh minh họa).

Các chiến binh Hồi giáo Al-Qeada (ảnh minh họa).

Đồng minh của Mỹ là Đức, Anh, Pháp và Canada cho biết cũng đang cân nhắc thời điểm nối lại hoạt động của các sứ quán tại một số nước Bắc Phi và Hồi giáo.

Những thông tin do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cung cấp cho thấy, nước Mỹ đang phải đối phó nguy cơ bị tấn công được đánh giá là “nghiêm trọng nhất” kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố hồi năm 2001, đe dọa “một cách cụ thể” toàn bộ lợi ích của phương Tây trên thế giới.

Mỹ phản ứng bằng việc ra lời cảnh báo toàn cầu đối với công dân Mỹ, đóng cửa gần 20 đại sứ quán. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel chỉ đạo các lực lượng Mỹ tại Tây Ban Nha và Ý ở trong tình trạng cảnh giác cao độ. 1.500 lính hải quân Mỹ có mặt trên 3 tàu chiến ở Biển Đỏ, giờ sẽ đóng chốt ở ngoài khơi bờ biển Yemen sẵn sàng phản ứng…

Các biện pháp cảnh giác của Mỹ và đồng minh rõ ràng không phải là thừa, đặt trong bối cảnh Mỹ sắp kỷ niệm 12 năm ngày xảy ra thảm họa 11/9. Báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố ngày 7/8 cho biết, mặc dù trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị tiêu diệt, nhưng mạng lưới al-Qaeda vẫn sống trong cảnh “tàn nhưng không phế”. Người kế nhiệm của bin Laden đang nỗ lực “đoàn kết” các bè phái, chi nhánh ở nhiều nước trên thế giới để tăng cường sức mạnh.

Trong khi gần như cả thế giới bị cuốn vào những diễn biến từ Nhà Trắng, vẫn có không ít quan điểm cho rằng, việc Mỹ ra lệnh cảnh báo về nguy cơ khủng bố toàn cầu, đóng cửa các đại sứ quán và tổng lãnh sự với lý do “đe dọa khủng bố” là rất mập mờ, nhất là khi Washington chưa có những lý giải thuyết phục về chương trình bí mật thu thập thông tin internet và điện thoại bị cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ.

Theo thông báo từ Nhà Trắng, sau nhiều tuần bí mật theo dõi, CIA và NSA đã phát hiện “một số thông điệp quan trọng được phát hiện qua những cuộc liên lạc giữa trùm khủng bố Ayman az-Zawahiri với Nasser al-Wahishi, cấp dưới trực tiếp từ chi nhánh al-Qaeda tại Yemen”, cho thấy nguy cơ về những cuộc tấn công khủng bố tại một trong những chi nhánh cực đoan nhất của al-Qaeda.

Nói như Tổng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey, mối đe dọa của al-Qaeda lần này “cụ thể” hơn những lần trước. Tuy nhiên, hẳn tướng Martin Dempsey không thể giải thích vì sao mà “kẻ kế nhiệm” của bin Laden, được cho là trùm khủng bố tầm cỡ như Ayman az-Zawahiri, nổi tiếng hành tung bí ẩn, lại ban lệnh hớ hênh để mật vụ Mỹ tóm được.

Đáng nói là, mật vụ Mỹ nghe được chính xác ngày tháng nhưng địa điểm và thời gian tiến hành vụ nổ thì lại không. Ở Mỹ, nguy cơ khủng bố lớn đến mức người dân thậm chí đẩy sự quan tâm vụ Snowden xuống hàng thứ yếu. Và, “chiến công” này một lần nữa được gắn cho CIA và NSA, cụ thể hơn là chương trình nghe lén các cuộc trao đổi điện thoại và xâm nhập thư điện tử đang bị cả thế giới lên án.

Không ngẫu nhiên, mà cùng ngày tuyên bố mở cửa trở lại 18/19 cơ quan sứ quán, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sớm đề nghị Quốc hội Mỹ đánh giá mục 215 gây tranh cãi trong Luật Yêu nước vốn cho phép NSA tiếp cận điện thoại cũng như các hồ sơ khác của công dân. Tuy nhiên, với “chiến công” mà CIA và NSA vừa lập nên, có lẽ người Mỹ sẽ không bỏ phiếu chống lại điều luật này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại