Luật sư Floyd Wisner, đại diện cho các gia đình này cho phóng viên biết ông lạc quan về khả năng thắng kiện.
Theo Wisner, 11 gia đình nói trên đã bị mất 21 người thân sau khi chiếc Airbus A320-200 của AirAsia rơi xuống biển Java. Trước khi có kết quả điều tra, họ đã nghi ngờ máy bay có vấn đề kỹ thuật, dẫn đến tai nạn.
Theo The Straits Times ngày 5-12, đơn kiện được nộp lên một tòa án Chicago, trong đó cho rằng chiếc máy bay bị nạn có "khiếm khuyết và nguy hiểm quá giới hạn hợp lý" một phần do Airbus đã "cẩu thả" vi phạm nghĩa vụ phải chú ý trong khâu thiết kế, sản xuất và lắp ráp máy bay.
Tài liệu tòa án cũng cho thấy các nhà cung cấp của Airbus gồm Doric, Honeywell, Thales Avionics, Motorola, Tập đoàn Goodrich và Tập đoàn United Technology cũng được xem là bị cáo.
Luật sư Wisner cũng cho biết AirAsia không có tên trong vụ kiện vì Mỹ không có thẩm quyền đối với hãng này theo Công ước Montreal. Luật sư chuyên về hàng không Rudhi Mukhtar ở Jakarta nói họ có thể nộp đơn kiện AirAsia tại Indonesia theo luật dân sự.
Tuy nhiên, do hệ thống pháp luật của Indonesia nên vụ kiện có thể kéo dài nhiều năm, và đây là lý do khiến hầu hết gia đình các nạn nhân vụ rơi máy bay chỉ đòi bảo hiểm chứ không thưa kiện.
Diễn biến này diễn ra chỉ ít lâu sau các nhà điều tra công bố kết luận vụ máy bay QZ8501 của AirAsia rơi hồi tháng 12 năm ngoái khi đang đi từ Indonesia tới Singapore làm toàn bộ 162 người trên máy bay thiệt mạng.
Theo đó, tai nạn xảy ra do lỗi kỹ thuật và lỗi phi công. Cụ thể là sau khi nhận được cảnh báo về vết nứt ở bộ phận cánh đuôi, phi công đã tắt điện một phần hệ thống kiểm soát để khởi động lại, dẫn đến máy bay chao đảo trong thời tiết xấu và rơi xuống biển.