Sau báo cáo về những vết nứt trên phần vỏ máy bay, bên dưới ăngten vệ tinh của một chiếc Boeing 777, Cục hàng không dân dụng Mỹ (FAA) đã ban hành một Chỉ dẫn an toàn bay vào tháng 11 năm ngoái. Trong bản chỉ dẫn đó, FAA, cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho những máy bay do Mỹ sản xuất, yêu cầu các hãng hàng không cảnh giác trước các dấu hiệu ăn mòn ở lớp vỏ máy bay, bởi điều này có thể làm hỏng thân máy bay, gây giảm áp hay vỡ máy bay.
FAA viết trong bản chỉ dẫn: “Chúng tôi có nhận được báo cáo về vết nứt và hiện tượng ăn mòn của phần vỏ máy bay bên dưới ăngten liên lạc vệ tinh. Trong một đợt kiểm tra bảo dưỡng, kỹ thuật viên đã phát hiện một vết nứt dài 16 inch (khoảng 40,5 cm) trên lớp vỏ ở bên dưới khoang chứa hệ thống liên lạc vệ tinh của một chiếc máy bay đã hoạt động 14 năm và thực hiện khoảng 14.000 chuyến bay".
"Sau đó, kỹ thuật viên này tiếp tục kiểm tra 42 máy bay khác, với thời gian hoạt động từ 6 đến 16 năm, và phát hiện một số điểm bị ăn mòn cục bộ, nhưng không có vết nứt. Vết nứt và hiện tượng ăn mòn trên vỏ thân máy bay, nếu không được khắc phục, có thể gây giảm áp nhanh và phá vỡ sự bền vững của cấu trúc máy bay.”
Chỉ dẫn của FAA đã yêu cầu phải có thêm những cuộc kiểm tra ngoài lịch bảo dưỡng định kỳ những chiếc Boeing 777 trên toàn thế giới.
Tương tự như lệnh thu hồi trong ngành công nghiệp xe hơi, các chỉ dẫn an toàn bay xuất hiện khá thường xuyên, và trong đa số các trường hợp, những hãng hàng không được yêu cầu phải kiểm tra và khắc phục lỗi, nếu có, trong những đợt bảo dưỡng.
Tuy nhiên, cũng có một số ít các trường hợp, toàn bộ số máy bay của cùng một chủng loại sẽ bị cấm bay. Ví dụ như hồi tháng 1 năm ngoái, FAA đã yêu cầu Boeing cho ngừng bay tất cả những chiếc 787 Dreamliner sau khi các giàn pin trên máy bay bị phát hiện có lỗi.
Liên quan tới chiếc máy bay Malaysia mất tích, phát ngôn viên của Malaysia Airlines cho biết chiếc Boeing 777 này đã được kiểm tra vào ngày 23/2. Lịch bảo dưỡng thêm cho nó cũng đã được lên kế hoạch vào ngày 19/6 tới đây. Theo FAA, việc kiểm tra thêm này tiêu tốn khoảng 3.060 USD.
Khi mà khủng bố không còn được coi là khả năng chính dẫn đến vụ mất tích này, sự chú ý đang được tập trung vào các nguyên nhân kỹ thuật hay lỗi phi công. Mặc dù cả 2 yếu tố này đều có lịch sử an toàn rất tốt, song cũng đã từng những có sự cố liên quan đến Boeing 777 và hãng Malaysia Airlines trong quá khứ.
Vào năm 2005, một chiếc Boeing 777 của hãng hàng không này gặp vấn đề ở hệ thống lái tự động khi đang trên đường bay từ Perth tới Kuala Lumpur, khiến nó tăng độ cao đột ngột lên hơn 3.000 ft (910 m) và gần như mất lực nâng. Sau sự cố này, FAA đã ra chỉ dẫn an toàn bay, yêu cầu sửa lỗi máy tính trên hơn 500 chiếc Boeing 777.
Trong lúc những điều tra viên của Malaysia và của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) đang tìm kiếm hộp đen của máy bay, họ cũng có thể thu thập được những thông tin quan trọng thông các tín hiệu được truyền trực tiếp từ máy bay, bằng hệ thống báo cáo và xử lý thông tin trên máy bay (ACARS). Hệ thống này còn được xem như một ‘hộp đen trực tuyến’.
Ông James Healy-Pratt, một luật sư chuyên đại diện cho gia đình các hành khách trong những vụ tai nạn hàng không, cảnh báo rằng việc tìm kiếm hộp đen có thể sẽ mất rất nhiều thời gian.
Phát ngôn viên của Boeing cho biết hãng máy bay này đang hợp tác với NTSB trong vai trò cố vấn kỹ thuật. Một nhóm chuyên viên cũng đã có mặt để có thể hỗ trợ bất cứ khi nào cần thiết. Ngoài ra hãng sản xuất máy bay này không cung cấp thêm thông tin nào.