Máy bay mất tích: Vì sao điện thoại hành khách vẫn đổ chuông?

My Lan |

(Soha.vn) - Theo lý giải của chuyên gia công nghệ, có thể hiện tượng điện thoại của hành khách trên chiếc máy bay mất tích vẫn đổ chuông, nick chat vẫn sáng đèn chỉ là ảo.

 Cập nhật thông tin, hình ảnh, video clip vụ MÁY BAY MẤT TÍCH

Sau khi máy bay Malaysia mất tích, đã có gia đình của 19 hành khách, đa phần là người Trung Quốc, trên chiếc máy bay này khẳng định rằng khi họ gọi vào điện thoại của người thân mình thì chúng vẫn đổ chuông. Thậm chí, theo tờ Washington Post, có người còn nói rằng đã thấy nick chat của người thân họ trên hệ thống trò chuyện trực tuyến Trung Quốc QQ vẫn sáng đèn.

Tuy nhiên, trong tất cả các trường hợp, mọi tin nhắn gọi đi đều không được hồi đáp, và đầu dây bên kia cũng không bắt máy. Khi họ chuyển các số điện thoại này cho các nhà chức trách thì đều không thể liên lạc được nữa.

Giải thích về hiện tượng này, trên tờ NBC News, một chuyên gia phân tích công nghệ không dây nổi tiếng người Mỹ Jeff Kagan nói rằng, khi nhấn nút gọi tới một vài số điện thoại, người thực hiện cuộc gọi có thể nghe thấy điện thoại đổ chuông ngay lập tức. "Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chiếc điện thoại mà bạn gọi tới cũng đổ chuông. Khi cuộc gọi được thực hiện, hệ thống mạng sẽ bắt đầu tìm kiếm chiếc điện thoại, đầu tiên là dựa vào nơi nó xuất hiện lần cuối cùng, sau đó sẽ mở rộng phạm vi. Nếu hệ thống mạng không thể tìm thấy chiếc điện thoại thì cuộc gọi sẽ tự động kết thúc".

Ông Kagan nói rằng việc tìm kiếm này có thể hoàn thành ngay tức thì hoặc cần tới vài giây. Trong khoảng thời gian đó, điện thoại (tuỳ thuộc nhiều yếu tố: loại máy, hệ thống mạng...) có thể phát ra tín hiệu như tiếng chuông, nhằm báo cho người gọi rằng nó đang cố gắng kết nối. Vì vậy, có thể khi bạn nghe thấy tiếng chuông reo tới 4 lần thì đầu dây bên kia mới bắt đầu đổ một hồi chuông, hoặc thậm chí là chưa đổ chuông.

Cũng theo ông này, nếu chiếc điện thoại mà bạn gọi tới đang để ở chế độ "airplane mode" (chế độ trên máy bay), ra khỏi vùng phủ sóng, tắt máy, hoặc thậm chí là đã bị phá huỷ, thì hệ thống mạng cũng cần tới vài giây để xác định xem liệu có thể liên lạc với nó hay không.

Như vậy, ông Kagan cho rằng, hiện tượng gia đình những hành khách có mặt trên chuyến bay có thể kết nối được với điện thoại của người mất tích, rồi sau đó thấy ngắt tín hiệu, rất có thể là do yếu tố này.

Còn theo một lý giải của các chuyên gia được đăng tải trên Daily Mail, nhiều khả năng những cuộc gọi của người thân các hành khách sẽ tự động được chuyển vào hộp thoại tự động khi điện thoại tắt máy hoặc bị rơi xuống nước. Trong một số trường hợp, các nhà mạng sẽ cài đặt chế độ để người gọi nghe được 1 - 2 tiếng chuông trước khi chuyển cuộc gọi vào hộp thoại.

Hiện tượng này cũng xảy ra tương tự với việc nick chat trên mạng trò chuyện trực tuyến QQ của các hành khách vẫn sáng đèn ngay cả sau khi máy bay được thông báo là mất tích.

Theo Daily Mail, tài khoản trò chuyện trực tuyến của người dùng trên một số mạng xã hội, bao gồm cả Facebook và QQ, cũng có độ "trễ" nhất định.

Nếu nick chat của hành khách trên máy bay mất tích vẫn sáng, thì có thể là họ đã đăng nhập vào một thiết bị khác như máy tính bàn, laptop từ trước khi lên máy bay và vẫn chưa thoát ra.

Dù vậy, ngay cả khi họ đăng nhập bằng điện thoại và thiết bị này đột ngột tắt, hoặc rơi vào trạng thái standby, thì nó vẫn sáng đèn trong một khoảng thời gian nhất định.

Sau một thời gian ngừng hoàn toàn mọi hoạt động, có thể tới 3 ngày, nick chat của họ mới tự động chuyển sang trạng thái ngoại tuyến (offline).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại