4 lý do người Nga muốn đòi lại Alaska từ Mỹ

Đức Huy |

Bán Alaska cho Mỹ, Nga đã thu được một khoản tiền không nhỏ. Nhưng họ cũng mất đi những lợi ích khổng lồ.

Nhân kỉ niệm ngày Mỹ chính thức mua Alaska từ Nga (30/3/1867 - 30/3/2015), tờ Moscow Times hình dung nước Nga ngày nay sẽ có gì khác biệt nếu Alaska vẫn thuộc biên chế Liên bang.

148 năm về trước, khi 1,5 triệu km2 đất liền chuyển "hộ khẩu", cả hai bên giao dịch là Nga và Mỹ đều cho rằng mình đã có được một món hời.

Về phía Mỹ, họ nắm quyền kiểm soát và sử dụng nguồn tài nguyên Alaska, đồng thời mở rộng đáng kể lãnh thổ nước này. Trong khi đó, Nga thu về 7,2 triệu USD, một khoản tiền không nhỏ lúc bấy giờ.

Thế nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu thương vụ này chưa bao giờ được thực hiện? Nước Nga ngày nay sẽ ra sao nếu họ vẫn sở hữu Alaska? Và họ đã mất đi những gì khi để Alaska vào tay Mỹ?

1. Dầu khí

Kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào dầu khí, với hơn 2/3 tổng doanh thu xuất khẩu đến từ nguồn tài nguyên này. Dù vào thời điểm này, khí đốt không phải là vấn đề đối với Nga, nhưng ai cũng biết đây là một nguồn tài nguyên hữu hạn.

Do đó, khi đã khai thác tối đa nguồn lợi từ dầu khí, Nga sẽ phải tính đến các phương án khác để đổ vào ngân sách của mình.

Trên giấy tờ, kể cả nếu còn giữ Alaska thì vùng đất này cũng không thể giải quyết bài toán khí đốt cho Nga mãi được, tuy nhiên nguồn dầu thô từ Alaska sẽ giúp kinh tế nước này "kéo dài thời gian".

Các nghiên cứu gần đây cho thấy sản lượng dầu của Nga hiện đang ở mức 10 triệu thùng/ngày, con số này đáng lẽ có thể được tăng lên đáng kể với sự trợ giúp của mỏ dầu lớn nhất nước Mỹ hiện tại (Alaska).

2. Bắp cải

Lệnh trừng phạt từ phương Tây đồng nghĩa với việc giá lương thực tại Nga tăng cao do khan hiếm. Trong đó, loại rau bị ảnh hưởng lớn nhất là bắp cải, một phần không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người Nga, với các món như golubtsy hay shchi.

Giá bắp cải đang ngày càng leo thang, kể từ đầu năm đã tăng đến 63%.

Còn đối với người Alaska, bắp cải chưa bao giờ là vấn đề.

Thậm chí, những người nông dân tại Thung lũng Matanuska thuộc Alaska hiện đang giữ kỉ lục Guinness cho cây bắp cải lớn nhất thế giới từng được trồng, với cân nặng lên tới 40 kg.

Cây bắp cải nặng 40kg hiện đang giữ kỉ lục Guinness được trồng tại Alaska.

Cây bắp cải nặng 40kg hiện đang giữ kỉ lục Guinness được trồng tại Alaska.

3. Bảo tàng

Nga không thiếu bảo tàng. Sau hàng thế kỉ với nhiều thành tựu văn hóa từ hội họa đến kiến trúc, từ lịch sử đến nhiếp ảnh, du khách tìm đến bảo tàng ở Nga sẽ không thiếu lựa chọn.

Nhưng những tác phẩm của Ilya Repin, Gavriil Baranovsky, hay Alexander Rodchenko làm sao có thể ấn tượng bằng "bảo tàng phục vụ công tác bảo tồn dụng cụ đầu tiên của con người, chiếc búa", đặt tại thành phố Haines, Alaska.

Bảo tàng búa tại Haines, Alaska. Ảnh: Moscow Times

Bảo tàng búa tại Haines, Alaska. Ảnh: Moscow Times

Tại đây trưng bày 1.500 loại búa khác nhau. Ngoài ra, ban điều hành bảo tàng đều đặn hàng tuần đều chọn ra một "chiếc búa của tuần" trên mạng xã hội, và đăng tải một chuyên đề vô cùng hữu dụng mang tựa đề "5 cách để không đập búa vào ngón tay khi sử dụng".

Với một vị Tổng thống đầy nam tính, cởi trần cưỡi ngựa, nuôi từ hổ đến gấu, kết thân với chủ tịch câu lạc bộ mô-tô phân khối lớn như ông Putin, một viện bảo tàng chuyên về búa tại Nga chắc chắn sẽ làm ông hài lòng.

4. Đàn ông

Tỉ lệ giới tính chênh lệch trong cơ cấu dân số Nga đã và đang trở thành một mối quan tâm lớn cho chính phủ nước này.

Từ nhiều thập kỉ trở lại đây, tuổi thọ trung bình của đàn ông Nga thấp hơn phụ nữ tới 10 năm, với nguyên nhân chủ đạo do dùng quá nhiều rượu bia.

Rượu bia, nhất là đặc sản Vodka, là nguyên nhân chính dẫn đến tuổi thọ trung bình thấp của đàn ông Nga. Ảnh: EPA

Rượu bia, nhất là "đặc sản" Vodka, là nguyên nhân chính dẫn đến tuổi thọ trung bình thấp của đàn ông Nga. Ảnh: EPA

Trong khi đó, với Alaska, phụ nữ chỉ chiếm 47.6% dân số của bang. Do đó, trên lý thuyết, giữ lại Alaska sẽ giúp Nga giải quyết phần nào bài toán cơ cấu dân số.

Tuy nhiên, do việc "thiếu" đàn ông chủ yếu xuất phát từ lối sống thay vì vị trí địa lý, nhiều khả năng kể cả có giữ lại Alaska thì vấn đề này cũng sẽ lan sang bên kia eo biển Bering.

Đòi lại Alaska?

Năm ngoái, trong ngày đánh dấu 147 năm thương vụ Alaska, tờ Moscow Times dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, việc "đòi lại" Alaska là một ý tưởng hoàn toàn nghiêm túc của một bộ phận giới chức Nga.

Khi đó, chính ông Rogozin đã viết lời nói đầu cho cuốn sách mang tựa đề "Alaska, bị phản bội và bị bán: Lịch sử của một âm mưu trong cung điện", với nội dung cho rằng thương vụ Alaska là hành động phản bội vị thế cường quốc của Nga.

Ông Rogozin còn nói rằng Nga hoàn toàn có quyền lấy lại quyền sở hữu bang này.

Đáng chú ý là, theo Moscow Times, ông Rogozin không phải là một nhân vật "ngoài lề" trong cơ cấu chính trị điện Kremlin. Ông cũng chính là người chịu trách nhiệm giám sát quốc phòng Nga.

Vậy câu hỏi được đặt ra là, liệu Alaska có thể trở thành một Crimea thứ hai?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại