Cụ thể, Tư lệnh Hải quân Michael Vannak Khem Misiewicz và Đặc vụ Cơ quan Điều tra tội phạm hải quân (NCIS) John Bertrand Beliveau II bị cáo buộc nhận tiền hối lộ từ ông Leonard Glenn Francis - Giám đốc điều hành của Công ty Glenn Defense Marine Asia Ltd. có trụ sở ở Singapore - để giúp công ty này có các ưu đãi về hợp đồng cũng như tránh được các điều tra liên bang về gian lận.
Ông Francis đã bị bắt vào tháng trước tại San Diego (Mỹ) cùng với một quan chức khác trong công ty, ngay sau khi các nhà điều tra liên bang tiến hành một cuộc họp kín với các quan chức hải quân Mỹ.
Tàu sân bay của Hải quân Mỹ.
Theo các công tố viên, ông Misiewicz là người chỉ đạo cho các tàu hải quân đậu tại một số cảng nhất định để Công ty Glenn Defense Marine có thể thu từ hải quân Mỹ các phí dịch vụ bảo trì ở mức cao. Cụ thể, dịch vụ bảo trì cho tàu sân bay Stennis được tính giá 2,7 triệu USD - cao gần gấp đôi mức giá trung bình của các cảng khác. Chỉ tính riêng khoảng thời gian từ năm 2011 trở lại đây, Công ty Glenn Defense Marine kiếm được hơn 200 triệu USD từ các hợp đồng ký kết với Hải quân Mỹ.
Glenn Marine đã “cảm ơn” lại Misiewicz bằng việc bao toàn bộ những chuyến nghỉ dưỡng xa hoa cho cả gia đình ông này, trả tiền cho dịch vụ gái gọi cao cấp, cấp tiền, thuê các phòng khách sạn hạng sang và mua vé xem các chương trình nghệ thuật như “The Lion King” và các buổi biểu diễn của Lady Gaga.
Trong khi đó, Beliveau bị cáo buộc đã tải mọi báo cáo mật của NCIS về Glenn Marine và “bán lại” cho Francis để lấy tiền đi du lịch, chơi gái...
Hải quân Mỹ chưa đưa ra bình luận gì về vụ bê bối này, nhưng cuộc điều tra vẫn tiếp diễn. Dự kiến, sẽ có nhiều quan chức hải quân nữa dính líu tới vụ bê bối này.