Kim Jong Un được trao bằng tiến sỹ kinh tế

Trung Phạm |

(Soha.vn) - Đại học Help, Malaysia trao bằng tiến sỹ danh dự về kinh tế cho Kim Jong Un vì “những nỗ lực không mệt mỏi của ông cho nền giáo dục và sự thịnh vượng của người dân”.

Ngày 9/10/2013, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo tối cao của nước này Kim Jong Un vừa được Đại học Help, Malaysia trao tặng bằng tiến sỹ danh dự về kinh tế vì “những nỗ lực không mệt mỏi của ông cho nền giáo dục và sự thịnh vượng của người dân”.

Buổi nhận bằng đã được tổ chức trọng thể tại thủ đô Kuala Lumpur ngày 3/10/2013 với sự tham dự của nhiều chức sắc cấp cao, trong đó có Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia và Chủ tịch Đại học Help, tiến sỹ Paul Chan.

Theo KCNA, ông Paul Chan đã phát biểu rằng đây là một sự kiện “đầy vinh dự và mang tính lịch sử” đối với trường Đại học Help vì Kim Jong Un là “nguyên thủ nước ngoài đầu tiên” được trường này trao tặng bằng tiến sỹ.

 	Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un

Khi mới được công bố, đa phần giới quan sát đều bày tỏ sự nghi ngờ về độ xác thực của thông tin trên KCNA, cho đó chẳng qua chỉ là thủ pháp tuyên truyền của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, trong bài viết đăng tải ngày 22/10/2013, nhà báo Isaac Stone Fish, Trợ lý biên tập Tạp chí uy tín Foreign Policy, đã khẳng định thông tin mà KCNA công bố là hoàn toàn chính xác.

Chính Đại học Help đã xác nhận điều này và còn cung cấp cho Stone Fish bài phát biểu của Chủ tịch Paul Chan giải thích tại sao ông quyết định trao tặng Kim Jong Un bằng tiến sỹ kinh tế danh dự.

Ông Chan cho biết: “Chúng ta nên sử dụng giáo dục để giúp người dân Triều Tiên có cuộc sống tốt hơn bằng cách có được tiêu chuẩn sống cao hơn. Trên tất cả, chúng ta hãy giúp họ hòa nhập nhanh hơn vào mạng lưới xã hội mở toàn cầu. Đối với tôi, trao tặng Tiến sĩ danh dự cho Ngài Chủ tịch Kim Jong Un là đang góp phần xây dựng một cây cầu tiếp cận tới người dân Triều Tiên. Thật vui là ông ấy đã chấp nhận nó”.

Paul Chan lập luận, vài thập kỷ trước đây, ai có thể đoán chắc được những gì đang diễn ra như ở Myanmar hiện nay? Nhưng nước này đã làm được điều đó. Tuy hiện tại Triều Tiên là một xã hội cuối cùng ở châu Á cần phải mở cửa nhưng Paul Chan dự đoán, trong vòng 6 năm tới Bình Nhưỡng sẽ can dự với thế giới theo nhiều cách mang tính xây dựng hơn.

Ông nói: “Chúng ta hãy bắt đầu cung cấp các cơ hội giáo dục cho người dân Triều Tiên bằng việc ủng hộ Chủ tịch của họ. Tại sao lại từ chối họ? Tại sao lại phải trừng phạt? Người dân Triều Tiên đang rất thèm khát giáo dục để thay đổi cuộc sống của mình. Hãy mang cơ hội này đến với họ”.

Một báo cáo của Chương trình Lương thực Thế giới WFP công bố tháng 8 năm nay cho thấy khoảng 80% số hộ gia đình được khảo sát ở Triều Tiên đang đối mặt với nạn đói, cần sự trợ giúp khẩn cấp của thế giới.

Theo báo cáo này, 76% người được hỏi cho biết họ vẫn phải nương nhờ người khác mới kiếm được thực phẩm hoặc phải ăn thức ăn rẻ tiền, chất lượng thấp; 14% phải giảm hẳn khẩu phần ăn và 3% thường xuyên phải bỏ bữa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại