Quốc tế tiếp tục phản ứng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Vũ Anh Tuấn |

Cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng trước các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, theo dõi chặt chẽ diễn biến và kêu gọi nước này tránh các hành động có thể làm phức tạp khu vực và tác động xấu đến các nỗ lực đàm phán, đối thoại.

Các loại tên lửa đạn đạo được Triều Tiên phô diễn ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA.

Các loại tên lửa đạn đạo được Triều Tiên phô diễn ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA.

Triều Tiên đã lên tiếng xác nhận, tên lửa được phóng thành công vào hôm qua (11/1) là tên lửa siêu vượt âm, đây là vụ phóng tên lửa thứ hai mà Triều Tiên phóng trong vòng chưa đầy một tuần.

Tiếp theo sau các phản ứng của Hàn Quốc và Nhật Bản ngay sau vụ phóng sáng ngày hôm qua của Triều Tiên, Liên minh châu Âu cho rằng việc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi các hệ thống vũ khí trái với các nghị quyết của Liên Hợp Quốc gây ra mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Điều này cũng đi ngược lại các nỗ lực quốc tế nhằm nối lại đối thoại và hành động để hỗ trợ người dân Triều Tiên. Liên minh châu Âu kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và kiềm chế mọi hành động để tiếp tục các nỗ lực ngoại giao và đối thoại.

Cùng quan điểm với các nước đồng minh, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, đối thoại là giải pháp tốt và Mỹ bỏ ngỏ cơ hội ngoại giao với Triều Tiên. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói: “Chúng tôi tin rằng ngoại giao là con đường tốt nhất để tiếp tục đối thoại. Tôi sẽ tiếp tục vạch ra lộ trình đó với các đồng minh của mình, hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác. Chúng tôi sẽ sẵn sàng nếu Triều Tiên chứng tỏ rằng, họ sẵn sàng tham gia vào các hoạt động ngoại giao như vậy.”

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Triều Tiên lại tiếp tục thử tên lửa đạn đạo, kêu gọi Triều Tiên tuân thủ trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế, trở lại đàm phán với các bên liên quan về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Phát biểu trước báo giới, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết: “Chúng tôi tin rằng con đường duy nhất để đạt được hòa bình bền vững và tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên là thông qua các giải pháp ngoại giao”.

Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm chỉ trích của phương Tây, Nga và Trung Quốc đã thúc đẩy Liên Hợp Quốc nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên , dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu hải sản và dệt may đồng thời nâng hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu tinh chế. Nga và Trung Quốc đều cho rằng, Liên Hợp Quốc cần phải đóng vai trò xây dựng tích cực để duy trì hòa bình, ổn định.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng: “Tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên đang trong giai đoạn quan trọng và nhạy cảm. Trung Quốc tin rằng, Hội đồng Bảo an cần đóng vai trò tích cực và mang tính xây dựng, bất kỳ hành động nào được thực hiện đều phải nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và giúp các bên nối lại đối thoại."

Hội đồng Bảo an đang cân nhắc một cuộc họp về vấn đề này nếu các nước thành viên đưa ra yêu cầu. Trước đó, Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc cũng đã có cuộc họp khẩn để nhận định tình hình và theo dõi chặt chẽ các diễn biến mới nhất từ các vụ phóng của Triều Tiên. Theo nhận định của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, tên lửa được phóng mới nhất đã bay ít nhất 700km với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại