Người vượt biên trở về Triều Tiên đã sống chật vật ở Hàn Quốc

Bình Giang |

Người đàn ông có chuyến vượt biên liều lĩnh để trở về Triều Tiên hồi tuần trước đã chật vật với cuộc sống ở Hàn Quốc, các quan chức và báo chí Hàn Quốc hôm nay cho biết. Thông tin này khơi lại cuộc tranh luận về cách những người đào tẩu được đối xử sau khi họ cố gắng tìm cuộc sống mới.

Ngày 1/1, quân đội Hàn Quốc phát hiện một người đàn ông vượt qua khu phi quân sự được canh gác dày đặc và giăng đầy mìn để trở về Triều Tiên. Người này đã có hành trình tương tự để xuống Hàn Quốc cách đây hơn 1 năm.

Hoàn cảnh của người đàn ông này đã làm sáng tỏ cuộc sống của những người đào tẩu và đặt ra câu hỏi rằng liệu họ có được hỗ trợ đầy đủ sau một hành trình nguy hiểm từ Triều Tiên để xuống quốc gia giàu có ở miền nam.

Người đàn ông nói trên đang ở độ tuổi 30, kiếm sống nhờ công việc dọn vệ sinh.

“Tôi có thể nói rằng anh ấy được xếp vào tầng lớp thấp hơn, hầu như kiếm không đủ sống”, quan chức Hàn Quốc nói, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết vì vấn đề quyền riêng tư.

Sau khi mở cuộc điều tra xem người đàn ông đã vượt qua các vòng canh gác như thế nào dù đã bị camera ghi hình vài giờ trước khi vượt biên, các quan chức Hàn Quốc nói rằng có rất ít khả năng người này là tình báo Triều Tiên.

Giới chức Triều Tiên chưa phát biểu gì về vụ việc này.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap nói rằng cảnh sát ở quận Nowon của Seoul là lực lượng bảo vệ an toàn và hỗ trợ cho người đàn ông này. Tháng 6 năm ngoái, cảnh sát Nowon đã nêu quan ngại về khả năng anh ta sẽ quay về, nhưng họ không có hành động nào vì thiếu bằng chứng cụ thể.

Cảnh sát Seoul từ chối bình luận. Một quan chức thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm nay nói rằng người đàn ông đã được chính phủ hỗ trợ về bảo vệ cá nhân, nhà ở, điều trị y tế và việc làm.

Người đàn ông ít có tương tác với hàng xóm, và được trông thấy đang vứt đồ đạc đi trước khi vượt biên 1 ngày, theo Yonhap.

“Anh ta mang đệm và chăn gối đi vứt vào sáng hôm đó, và điều đó rất lạ vì đồ đạc trông vẫn mới. Tôi nghĩ nên hỏi xin anh ta, nhưng lại thôi vì chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau”, Yonhap dẫn lời một người hàng xóm cho biết.

Tính đến tháng 9/2021, có khoảng 33.800 người Triều Tiên đang sống ở Hàn Quốc. Họ đến đây sau khi trải qua một hành trình dài đầy nguy hiểm, thường qua ngả Trung Quốc, với hy vọng tìm được cuộc sống mới tốt hơn.

Từ năm 2012, mới có 30 trường hợp được xác nhận đã quay lại Triều Tiên, theo số liệu của Bộ Thống nhất Hàn Quốc. Tuy nhiên, những người đào tẩu và các nhà hoạt động cho rằng có thể còn nhiều trường hợp không được ghi nhận vì không ít người chật vật với cuộc sống ở miền nam.

Khoảng 56% người đào tẩu xuống Hàn Quốc được xếp vào nhóm thu nhập thấp, theo số liệu được nghị sĩ vốn là người đào tẩu Ji Seong-ho báo cáo. Gần 25% người Triều Tiên đào tẩu được Chính phủ Hàn Quốc trợ cấp chi phí sinh hoạt cơ bản.

Theo cuộc khảo sát do Trung tâm dữ liệu nhân quyền Triều Tiên và tổ chức Nghiên cứu Xã hội NK thực hiện tại Seoul và công bố kết quả vào tháng trước, khoảng 18% trong số 407 người đào tẩu cho biết họ sẵn sàng quay về Triều Tiên, chủ yếu vì nhớ nhà.

“Có rất nhiều yếu tố phức tạp liên quan đến gia đình họ ở Triều Tiên, cũng như những khó khăn về tâm lý và kinh tế nảy sinh khi họ tạo lập cuộc sống mới”, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại