Diễn ra trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hủy hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều, việc Triều Tiên đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri ngày 24/5 đã kém thu hút sự chú ý của báo giới hơn, bất chấp sự kiện này được cộng đồng quốc tế rất mong đợi trước đó. Cho đến nay, vẫn chưa có một xác minh quốc tế nào về vụ việc và phản ứng quốc tế cho sự kiện này cũng rất hạn chế.
Ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều diễn ra hồi cuối tháng 4, việc Triều Tiên quyết định đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận quốc tế.
Bước đi “thiện chí” này của Triều Tiên cũng tốn không ít “giấy, mực” của báo giới khi Bình Nhưỡng thay đổi quan điểm về việc cho phép đoàn nhà báo, phóng viên Hàn Quốc đến đưa tin. Tuy nhiên, cuối cùng 28 nhà báo quốc tế đến từ Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã đến được Triều Tiên để đưa tin về sự kiện “quan trọng” này.
Theo các hãng truyền thông, hoạt động phá hủy bãi thử đã được thực hiện vào chiều 24/5. Viện Phó Viện Hạt nhân của Triều Tiên tuyên bố, các đường hầm dẫn vào khu thử đã bị đánh sập và không có dấu hiệu rò rỉ phóng xạ. Theo vị quan chức này, mọi thiết bị và nhân viên đang được rút khỏi bãi thử và việc khôi phục hoạt động tại cơ sở Punggye-ri là “không thể thực hiện được trong tương lai”.
Việc phá bỏ bãi thử hạt nhân được xem là cử chỉ thiện chí đáng ghi nhận nhằm xây dựng lòng tin trong vấn đề hạt nhân, tạo không khí thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều sắp tới. Tuy nhiên, sự kiện vừa diễn ra đã nhanh chóng bị “lu mờ” trước quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hủy thượng đỉnh Mỹ – Triều. Đến nay, mới chỉ có một số phản ứng hoan nghênh từ cộng đồng quốc tế.
Ngày 24/5, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonia Guterres đã bày tỏ hy vọng sự kiện sẽ góp phần thúc đẩy các nỗ lực hướng tới một nền hòa bình bền vững và việc phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Guterres lấy làm tiếc rằng các chuyên gia quốc tế đã không được mời đến chứng kiến vụ việc.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc gọi đây là bước đi đầu tiên mang nhiều ý nghĩa hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, đây là “biện pháp có ý nghĩa đầu tiên” được triển khai nhằm cụ thể hóa thiện chí và quyết tâm của Bình Nhưỡng hướng tới phi hạt nhân hóa - điều đã được Triều Tiên bày tỏ trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi cuối tháng 4 vừa qua.
Hôm 25/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng về vụ việc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết: “Qua truyền hình, chúng tôi đã thấy Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã thực hiện các biện pháp thực tế để phá hủy địa điểm thử hạt nhân tại Punggye-ri. Chúng tôi hoan nghênh hành động này. Đây là một bước đi quan trọng của Triều Tiên trong mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo. Chúng tôi nghĩ rằng, sự kiện cần được thừa nhận và khuyến khích. Chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan có thể làm việc cùng nhau vì một mục tiêu thúc đẩy giải quyết các vấn đề của bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và tham vấn.”
Cũng trong ngày 25/5, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cho biết, cơ quan này sẵn sàng giúp kiểm chứng cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, nếu các nước liên quan đạt được một thỏa thuận. Theo ông Amano, cơ quan này sẽ giám sát chặt chẽ tình hình hạt nhân Triều Tiên thông qua các ảnh chụp từ vệ tinh, trong khi chuẩn bị cho các công tác kiểm chứng tại Triều Tiên, nếu được yêu cầu.
Hiện các chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định liệu việc phá bỏ trên có dẫn tới việc bãi thử này sẽ không còn sử dụng được nữa hay không. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc Triều Tiên đồng ý phá hủy bãi thử một cách vô điều kiện và không đòi hỏi điều gì đáp lại từ phía Washington cho thấy Bình Nhưỡng muốn thay đổi một cách nghiêm túc. Sự kiện này có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên đang nối lại các cuộc đàm phán để có thể tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử lần đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước Mỹ - Triều./.