Đầu giờ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường.
Như thường lệ, cuối phiên họp, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Nội dung này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 31.
Một số vấn đề lớn đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm, trước tiên là vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Ngoài ra, vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau về quy định đối tượng là chủ hộ kinh doanh là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ; việc quản lý hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó là những tác động của cải cách chính sách tiền lương; hay vấn đề về tài chính bảo hiểm xã hội.
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu cũng quan tâm đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài mạnh hơn đối với trường hợp vi phạm và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Trao đổi với phóng viên tại buổi họp báo trước kỳ họp, ông Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, đây là dự án luật rất khó, tác động đến đông đảo người lao động cũng như người nghỉ hưu.
Trong đó, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là vấn đề liên quan trực tiếp đến cải cách tiền lương . Đây là vấn đề rất khó, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu thận trọng. Ủy ban cũng đang phối hợp với các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội phương án tối ưu nhất để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Ngoài ra, đến 1/7/2024, mức lương cơ sở sẽ được bãi bỏ, thay bằng mức điều chỉnh mới là mức tham chiếu. Mức tham chiếu này, hiện các cơ quan Chính phủ đang tính toán mức phù hợp, làm sao không thấp hơn khi đang áp dụng mức lương cơ sở.