Phát ngôn viên Quốc hội Iran Ali Larijani từ lâu đã vận động thắt chặt quan hệ với Nga. Những phát biểu của ông này với TASS rằng "chiến lược hướng đông (của Iran), đầu tiên là hướng tới Nga... là lựa chọn chiến lược của quốc gia" vì thế không có gì bất ngờ.
Đối với Iran, Nga là đồng mình chiến lược khi hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và Nga cũng là đối tác tiềm năng trong việc định hình thị trường khí đốt toàn cầu, bởi dự trữ năng lượng ở 2 quốc gia này là lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, vẫn còn những sự khác biệt quan trọng giữa Moscow và Tehran.
Mặc dù Nga và Iran đã ký các hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và có hơn 8 lần gặp gỡ, đàm phán, song Nga đã không ra can thiệp việc đưa vấn đề hạt nhân của Iran ra Hội đồng Bảo an năm 2006 cũng như các lệnh trừng phạt tiếp theo.
Năm 2005, khi bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia trong 2 năm, ông Larijani đã theo đuổi chiến lược "nghiêng về Moscow" vì cho rằng, điều đó có thể ngăn cản các lệnh trừng phạt cũng như vấn đề Iran bị nêu ra ở LHQ.
Dù vậy, những nỗ lực của Larijani đã không thành công.
Một thập kỷ sau, thỏa thuận hạt nhân lịch sử ở Geneva lại khiến Nga và Iran xích gần nhau hơn. Moscow khẳng định sẽ nối lại hợp đồng mua bán S-300 với Iran - vốn bị trì hoãn do các lệnh trừng phạt của LHQ. Các công ty của Nga cũng tràn trề hi vọng giành được các hợp đồng ở Iran.
Tại Syria, Tehran và Moscow đều cùng đứng về phe ủng hộ Assad, song diễn biến tình hình, một lần nữa lại làm lộ ra những khác biệt giữa 2 bên.
Theo phóng viên người Anh Gareth Smyth, một trong những bất đồng lớn giữa Iran và Nga bắt nguồn từ mối quan hệ thân thiết giữa Moscow và Tel Aviv - quốc gia mà Tehran có hiềm khích lớn.
Tổng thống Syria Assad trò chuyện với Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian tại Damacus.
Khi bắt đầu ném bom nhằm vào các nhóm nổi dậy chống Assad hồi tháng 9, Nga đứng trước nguy cơ "chọc giận" Israel khi kẻ thù của chính quyền trung ương Tel Aviv là Hezbollah lại gia nhập liên minh của Assad ở Syria. Israel lo lắng họ có thể trở thành một mục tiêu bị tấn công.
Dù thế, cựu chuyên gia phân tích của Mossad, Yossi Alpher, mới đây nhận định, sự phối hợp giữa Nga và Israel ở Syria đã thành công và là một diễn biến chiến lược lớn ở Trung Đông.
"Khi không quân Nga bắt đầu triển khai quân ở bờ biển Alawite, Syria, nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên tới Nga gặp Putin, là Thủ tướng Israel Netanyahu.
Tại đây, ông Netanyahu đã nói: "Thôi được, chúng tôi sẽ để cho các lực lượng quân đội của chúng ta hợp tác với nhau. Các ngài đánh bom, chúng tôi thỉnh thoảng cũng sẽ đánh bom nhằm ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí cho Hezbollah".
"Điểm nóng" lớn nhất có thể nảy sinh giữa Nga và Israel liên quan tới việc máy bay Nga bay trên vùng trời Cao nguyên Golan, tuy nhiên, cả 2 bên đều đã có những bước chuẩn bị cần thiết để ngăn chặn sự cố có thể xảy ra.
Ông Alpher khẳng định, 2 nước đã phối hợp rất hiệu quả và rằng chỉ mất vài giây để xử lý những vụ việc như vậy.
Cũng như ông Larijani, ông Alpher quan tâm tới quan hệ Israel - Nga, thay vì ủng hộ Israel thiết lập quan hệ thân thiết với các quốc gia láng giềng Ả Rập, bởi theo ông này, mối quan hệ với Nga, chứ không phải Ả Rập Xê-Út hay Qatar, mới giúp Tel Aviv giữ vững nền dân chủ của mình.