Nhóm Chim ưng tự do Kurdistan (TAK) đã đứng ra nhận trách nhiệm 3 cuộc tấn công tại những địa điểm đông dân nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, gồm vụ đánh bom tự sát ở Công viên Guven, vụ đánh bom ô tô tại quảng trường Eskisehir, Ankara và vụ nổ tại sân bay Sabiha Gokcen, Istanbul hồi tháng 12.
Hiện nay, nhóm này vẫn đang "nhởn nhơ" hoạt động trong bóng tối.
Sở dĩ có điều này phần lớn là do cách nhìn nhận đối với các lực lượng dân quân của giới cầm quyền. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ xem TAK và đảng Công nhân người Kurd (PKK) là một, dù thực ra TAK đã tự tách ra và thành lập cấu trúc tổ chức riêng.
Nhóm dân quân này hoạt động độc lập dù vẫn mang danh nghĩa PKK, ẩn chứa mối hiểm họa lớn đối với quốc gia khi ngang nhiên tổ chức hai cuộc tấn công quy mô lớn tại trung tâm thủ đô Ankara, nhà phân tích Garrett Krivicich viết trên tạp chí National Interest.
Tuy thông tin vẫn chưa thật rõ ràng, bằng chứng cho thấy nhóm phát triển từ phong trào PKK vào khoảng đầu thế kỉ 21. Dù được xem như thống nhất, không thể phủ nhận rằng có sự tương phản rõ rệt giữa hai lực lượng dân quân người Kurd trên.
PKK, xuất hiện với tư cách là một nhóm nổi dậy người Kurd quyết tâm thành lập Kurdistan độc lập, trong những năm trở lại đây đã giảm bớt một cách đáng kể các hoạt động cực đoan. Mục tiêu chính nhóm đang theo đuổi là xây dựng vùng tự trị người Kurd tại Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Cảnh tượng đổ nát sau vụ nổ gần công viên Guven tại thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Trái lại, TAK vẫn không thể gạt động cơ ban đầu sang một bên. Trong khi PKK chủ yếu phát động giao tranh tập trung ở các làng phía Đông Nam, TAK lại đem chúng đến một nơi khác, chính là thủ đô Ankara.
Đó là bởi, theo trang web nay không còn hoạt động của tổ chức này, mục tiêu hàng đầu của "Chim ưng" là "phá hủy" đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng phải nói thêm rằng, nhóm từng tuyên bố các chính sách của PKK là "quá nhân đạo".
Để đạt mục đích đề ra, lực lượng này nhắm mục tiêu vào các địa điểm du lịch và thương mại đông đúc nhất hòng giáng đòn mạnh vào nền kinh tế trong nước, thề sẽ mang tới "đòn đáp trả không do dự và vô cùng tàn nhẫn cho nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ".
Tuy nhiên, đối mặt với mối đe dọa quá đỗi rõ ràng, chính phủ Ankara vẫn coi toàn bộ vấn đề liên quan đến người Kurd là một, xem nhóm này đơn giản chỉ là nhánh nhỏ của đảng Công nhân người Kurd.
Thậm chí ngay cả khi TAK đứng ra nhận trách nhiệm vụ đánh bom tự sát ở Công viên Guven giết chết gần 30 người, lãnh đạo quốc gia này vẫn mặc nhiên cho rằng cuộc tấn công này có liên quan đến PKK.
Nói đơn giản, cộp mác PKK cho tất cả các vấn đề liên quan đến dân quân người Kurd dễ dàng hơn cho giới cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với họ, điều này còn giúp quần chúng vơi bớt một mối lo nữa về các nhóm nổi dậy.
Dù đứng sau 3 cuộc tấn công quy mô lớn, TAK vẫn có thể ngang nhiên hoạt động là do sai lầm của giới cầm quyền Ankara.
Tất nhiên, quan điểm này không hề sáng suốt bởi hai nhóm hoạt động với những mục tiêu đối lập. Cho đến nay, vẫn chưa hề có bằng chứng nào về việc TAK nghe theo lệnh của chỉ huy PKK.
Khi chính phủ tiêu tốn vô số nguồn lực giao tranh với PKK phía Đông Nam, TAK vẫn hoạt động trong bí mật và có khả năng đang lên kế hoạch cho cuộc tấn công tiếp theo tại trung tâm Ankara.
Theo ông Krivicich, chính phủ quốc gia này thực sự cần thay đổi quan điểm nhìn nhận mâu thuẫn với người Kurd và có biện pháp đối phó riêng với từng nhóm để ngăn chặn các kế hoạch khủng bố hiệu quả hơn, đặc biệt phải dừng ngay việc xem "Chim ưng" chỉ là một nhánh nhỏ.
Trong khi PKK nhằm vào một khu vực duy nhất, TAK lại coi cả đất nước là mục tiêu, do đó mang đến mối đe dọa rất lớn cho toàn bộ người dân.
Các lực lượng dân quân người Kurd chiến đấu những cuộc chiến khác nhau, vì các mục đích khác nhau. Dù cả hai đều đe dọa tới sự ổn định của đất nước, cần chú ý rằng TAK đang quyết tâm loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi bản đồ thế giới.
Nếu Ankara không sớm nhận ra sự khác biệt trên và đầu tư nguồn lực hợp lý, vụ tấn công tiếp theo của lực lượng dân quân này có thể đã bắt đầu rục rịch trong giai đoạn chuẩn bị, và không biết rằng khu vực nào sẽ nằm trong tầm ngắm tiếp theo đây?