Ngay cả Nga nói chung cũng có đến 3 dịp đầu năm khác nhau.
Lịch sử thú vị
Vào thời cổ đại, năm mới ở Nga rơi vào ngày 1/3. Cho đến nay, các nhà sử học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân, nhưng họ đưa ra 2 giả thuyết. Thứ nhất, do năm nông nghiệp thời gian này rơi vào tháng 3. Thứ 2, lịch La Mã cổ đại chỉ có 10 tháng và người Nga thời tiền Thiên chúa giáo, vì lý do nào đó, xem ngày 1/3 là ngày đầu năm.
Năm 988, Cơ đốc giáo đến Nga và người truyền bá nó là Đế quốc Đông La Mã. Vô tình, Tết của Đông La Mã cũng là ngày 1/3 song, cũng ngay trong năm này, Đế quốc Đông La Mã dời ngày đầu năm lên ngày 1/9. Trong giai đoạn từ năm 988 - 1492, Nga mừng cả 2 ngày đầu năm là 1/3 và 1/9. Trong đó, 1/3 là tết cổ truyền còn 1/9 là ngày đầu năm của lịch toàn quốc. Quan trọng nhất, Giáo hội Chính thống giáo theo lịch Đế quốc Đông La Mã, lấy 1/9 là năm mới.
Giáo dân Chính thống giáo vô cùng tin và lo sợ ngày tận thế. Theo lời tiên tri thì năm 1492 (tương ứng với năm 7000 của lịch Đông La Mã) chính là năm mà kẻ phản Chúa giáng xuống, hủy hoại nhân loại. Suốt nhiều năm trước thời điểm 1/9/1492, hoàng tộc không tiếc ban tặng nhà thờ số tiền khổng lồ và các tu sĩ phải liên tiếp cầu nguyện cho hoàng tộc được “tai qua nạn khỏi”.
Tất nhiên, ngày 1/9/1492 đã trôi qua yên bình như mọi ngày đầu năm. Lời tiên tri về ngày tận thế tiếp theo không còn xác định rõ ràng thời gian mà vô định “chỉ có Chúa Cha mới biết”. Dù vậy, Giáo hội Chính thống giáo vẫn quyết định 1/9 là ngày đầu năm, thậm chí còn xóa bỏ tết 1/3.
Đằng sau việc xóa bỏ tết 1/3 là nguyên nhân chính trị. Ivan Đại đế (1440 – 1505) muốn Nga là nhà nước Chính thống giáo duy nhất và tuyên bố “Moscow, Rome thứ 3”. Trong suốt 200 năm, 1/9 là ngày đầu năm mới duy nhất.
Khác với Nga, châu Âu cùng thời sử dụng lịch Julian. Bắt đầu từ năm 1582, họ dùng lịch Gregorian (lịch dương lịch), đón ngày đầu năm vào 1/1. Sa hoàng Peter I (1672 – 1725) rất say mê sự phát triển của châu Âu và tin tưởng, chỉ khi học theo họ, nước Nga mới đột phá.
Sau khi vấp phải nhiều rắc rối khi tiến hành ký kết các giao dịch, hợp đồng với châu Âu, vào năm 1700, ông ban sắc lệnh đổi dùng lịch Đông La Mã sang lịch Gregorian, lấy ngày 1/1 là ngày đầu năm.
Người dân và Nhà thờ Nga phản đối gay gắt nên tết 1/9 được duy trì đến tận năm 1918, khi những người Bolshevik quyết định chuyển đổi sang lịch Gregorian. Người ký sắc lệnh chuyển đổi này là Vladimir Lenin (1870 - 1924).
Tháng nào cũng là đầu năm
Ngoài 1/1 dương lịch và 1/9 Julian lịch, Nga với tư cách quốc gia của gần 200 dân tộc còn rất nhiều ngày đầu năm khác. Nguyên nhân nằm ở văn hóa lẫn địa lý. Đất nước Nga rộng lớn (17,1 triệu km2), mỗi khu vực lại một đặc tính khí hậu khác nhau. Điều kiện tự nhiên quyết định cách tính lịch của người dân sống phụ thuộc vào nó và vì thế, ngoài lịch âm và lịch dương còn rất nhiều lịch địa phương khác.
Đầu tháng 1, Nga có thêm Tết Surhuri của người Chuvash (Cộng hòa Chuvash) và Tết Shorykyol của người Mari (Cộng hòa Mari El). Ban đầu, tết của 2 dân tộc này rơi vào ngày 19 - 22/12, thời điểm Xuân phân.
Sau này, khi họ chuyển sang lịch Gregorian và để không bị trùng với Giáng sinh (25/12), họ dời nó sang 1/1 năm sau. Giữa tháng 1, Nga có Tết Nog Bon của người Ossetia (Bắc Ossetia - Alania) và Tết Mityn Dada (sinh nhật Ông già Noel của người Ossetia).
Tháng 2, Nga có Tết Tsagaan Sar của người Kalmyk (Cộng hòa Kalmykia), Tết Shagaa của Tuvan (Cộng hòa Tuva), Tết Sagaalgan của Buryat (Cộng hòa Buryatia), Tết Chaga-Bairam của người Altai (Cộng hòa Altai). Đây là các phiên bản khác nhau của Tết Nguyên đán theo lịch âm lịch, có nhiều nét tương tự với Tết âm lịch ở các nước châu Á.
Tháng 3, Nga có nhiều tết dân tộc nhất: Tết Nowruz ở Cộng hòa Tatarstan, Bashkortostan, Crimea, các nước cộng hòa Bắc Kavkaz, Tết Adyghe Ilesyshchle ở Cộng hòa Adygea và Cộng hòa Kabardino-Balkarian, Tết Yaran Suvar, Ebeltsan, Khidin-Ush, Yukhvanin Yug, Er ở Cộng hòa Dagestan, Tết Jylgayak ở Cộng hòa Altai, Tết Chyl-Pazhi ở Vùng Kemerovo và Tết Chyl Pazy ở Cộng hòa Khakassia. Tùy theo từng nơi và thời điểm lập Xuân mà ngày đầu năm của từng vùng rơi vào những ngày khác nhau trong tháng.
Tháng 4, Nga có Tết Vurny Khatl của người Khanty (Khu tự trị Khanty-Mansi), Tết Urinekva Khotal của người Mansi (Khu tự trị Khanty-Mansi).
Tháng 6, Nga có Tết Muchun ở Vùng Krasnoyarsk, Tết Bakaldyn ở Cộng hòa Sakha, Tết Yhyakh ở Cộng hòa Sakha, Tết Khebdenek ở Vùng Magadan, Tết Nurgenek ở Lãnh thổ Kamchatka, Tết Evinek ở Cộng hòa Sakha, Tết Nữ ở Lãnh thổ Khabarovsk. Chúng rơi vào ngày 20 – 22 theo ngày lập Xuân.
Tháng 7, Nga có ngày 7/7, năm mới của người Hồi giáo.
Tháng 8, Nga có Tết Nai sừng tấm của người Selkup (Khu tự trị Yamalo-Nenets, Vùng Tyumen, Lãnh thổ Krasnoyarsk, Vùng Tomsk).
Tháng 10, Nga có Tết Rosh Hashanah của người Do Thái. Tháng 11, họ có Tết Nenets ở Khu tự trị Yamalo-Nenets. Tháng 12, dù là tháng cuối năm, nơi đây vẫn có 3 cái tết mừng năm mới là Tết Pegytti ở Khu tự trị Chukotka, Tết Nam ở Lãnh thổ Khabarovsk và Tết Tuygivin ở Vùng Magadan. Tất nhiên, chúng vẫn rơi vào ngày lập Xuân.