Ấn Độ, một thành viên chủ chối của BRICS, vẫn đang tích cực thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong hoạt động thương mại quốc tế với các đối tác, bao gồm cả Nga. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar mới đây cho biết, việc né tránh đồng USD không nằm trong chính sách kinh tế của nước này.
Ông Jaishankar chỉ rõ, các chính sách của Mỹ thường gây ra khó khăn trong hoạt động thương mại với một số quốc gia và Ấn Độ đang tìm kiếm “giải pháp thay thế”, chứ không phải từ bỏ việc sử dụng đồng USD như một số quốc gia khác.
Vị Bộ trưởng nói thêm rằng, Ấn Độ chưa bao giờ chủ động nhắm mục tiêu vào đồng USD. Vì quốc gia này giao thương với một số quốc gia nắm giữ ít USD, nên họ phải quyết định xem có nên từ bỏ các giao dịch hay tìm ra giải pháp thay thế khả thi.
Phát biểu của ông Jaishankar được đưa ra vào thời điểm một số đối tác thương mại thân thiết với Ấn Độ, chẳng hạn như Bangladesh, Sri Lanka và Nepal, đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt USD trầm trọng. Điều này đã hạn chế khả năng nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu của các nước này. Cả Bangladesh và Sri Lanka đều đang gặp bất ổn khi giá trị đồng USD tăng mạnh.
Hơn nữa, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đã gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu trà và gạo của Ấn Độ - các bên chiếm thị phần lớn tại Iran. Hoạt động nhập khẩu dầu của Ấn Độ từ Nga cũng đã gây ra phản ứng gay gắt từ phương Tây, dù các nước này cũng là một trong những bên nhập khẩu dầu thô tái chế lớn nhất từ Ấn Độ.
Trong khi đó, ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng trước cho biết, nếu đắc cử, ông sẽ áp dụng thuế quan 100% với hàng nhập khẩu từ các nước né tránh đồng USD. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã đưa ra cơ chế thanh toán bằng đồng rupee đối với các hoạt động thương mại vào năm 2022.
Ông Jaishankar nói thêm: “Chúng tôi đã nhắc đến xu hướng đa cực. Rõ ràng rằng, tất cả những yếu tố trong đó cũng sẽ được phản ánh trên thị trường tiền tệ và các giao dịch kinh tế.”
Động thái mới của Ấn Độ diễn ra khi Nga và Trung Quốc đang tích cực giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại song phương, khi Mỹ loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Năm ngoái, Nga cho biết 95% khối lượng thương mại giữa nước này và Trung Quốc được thực hiện bằng đồng rúp và Nhân dân tệ. Đáng chú ý, thương mại song phương giữa 2 nước trong năm tài khoá gần nhất đã vượt 200 tỷ USD.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố dữ liệu về cơ cấu dự trữ ngoại hối (COFER) cho thấy tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương và chính phủ đã sụt giảm. Tuy nhiên, vai trò của đồng USD giảm sút trong 2 thập kỷ qua lại không thúc đẩy tỷ trọng của 3 đồng tiền tệ lớn khác bao gồm euro, yên, bảng Anh.
IMF cho biết: “Nhóm tiền tệ dự trữ phi truyền thống, bao gồm AUD, CAD, Nhân dân tệ, won Hàn Quốc, SGD và các đồng tiền tệ của Bắc Âu lại được ưa chuộng nhiều hơn.”
Hồi tháng 7, IMF chỉ ra một đồng tiền dự trữ phi truyền thống đang giành được thị phần là đồng Nhân dân tệ Trung Quốc. Tổ chức này cho hay: “Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy các chính sách trên nhiều lĩnh vực để thúc đẩy việc quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ, bao gồm phát triển hệ thống thanh toán xuyên biên giới, mở rộng các hạn mức hoán đổi tiền tệ và thử nghiệm đồng tiền số của ngân hàng trung ương.”