Quốc đảo Thái Bình Dương này lần đầu tiên cắt đứt quan hệ với đảo Đài Loan vào năm 2002, sau đó nối lại quan hệ vào năm 2005.
Nauru chấm dứt quan hệ với đảo Đài Loan
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV ngày 15/1 đưa tin, chính phủ Nauru tuyên bố chính thức cắt đứt quan hệ với đảo Đài Loan và công nhận Nguyên tắc Một Trung Quốc .
Chính phủ Nauru khẳng định, việc nối lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc là “vì lợi ích tốt nhất” cho đất nước và người dân đảo quốc này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh "hoan nghênh" quyết định trên và điều này sẽ đánh dấu "một chương mới trong quan hệ song phương với Nauru trên cơ sở Nguyên tắc Một Trung Quốc".
Theo báo Guardian (Anh), quyết định của Nauru được đưa ra chưa đầy 48 giờ sau cuộc bầu cử địa phương ở đảo Đài Loan (Trung Quốc) hôm 13/1 với chiến thắng của ứng viên đảng Dân Tiến Lại Thanh Đức (Lai Ching-te).
Động thái này khiến Đài Loan chỉ còn 12 đồng minh, hầu hết là các quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và Vatican.
Phía Đài Loan cho hay, đảo này chỉ biết về quyết định của Nauru vào Chủ nhật (14/1), một ngày sau cuộc bầu cử.
"Trung Quốc [Đại lục] đã chọn thời điểm này để có tác động lớn nhất", Phó lãnh đạo cơ quan đối ngoại Đài Loan Tien Chung-kwang ngày 15/1 cáo buộc Bắc Kinh đứng sau sự việc này.
Đồng thời, ông này nói thêm rằng, tuyên bố cắt đứt quan hệ là một "động thái rất đột ngột" của chính phủ Nauru - quốc gia đã chúc mừng chiến thắng của ông Lại Thanh Đức vào cuối tuần qua.
Ông Tien tiết lộ, lãnh đạo cơ quan đối ngoại Đài Loan Joseph Wu, người đang có chuyến thăm Guatemala, tỏ ra "rất khó chịu" vì quyết định của Nauru.
Ngay sau quyết định, đảo Đài Loan sẽ ngay lập tức đình chỉ mọi tương tác chính thức với Nauru, bao gồm cả việc đóng cửa cơ quan ngoại giao ở Nauru và yêu cầu quốc đảo Thái Bình Dương đóng cửa cơ quan ngoại giao tại hòn đảo này.
Quốc đảo nghèo ở Thái Bình Dương
Theo Mạng lưới Dịch vụ Lãnh sự Trung Quốc, Cộng hòa Nauru là một quốc đảo nằm trong quần đảo Micronesia ở Nam Thái Bình Dương, có diện tích đất liền là 21,1km2 và vùng đặc quyền kinh tế hàng hải rộng 320.000km2.
Nauru nằm ở trung tâm Thái Bình Dương, cách xích đạo khoảng 42km về phía Nam. Nơi đây có khí hậu rừng mưa nhiệt đới, với nhiệt độ trung bình hàng năm từ 24°C đến 38°C và lượng mưa trung bình hàng năm là 1.500 mm.
Năm 1798, người Anh là những người nước ngoài đầu tiên đặt chân lên đảo Nauru. Năm 1888, nó được sáp nhập vào Vùng bảo hộ Quần đảo Marshall. Đầu thế kỷ 20, người Anh bắt đầu khai thác phốt phát tại đây. Nauru chính thức giành được độc lập vào ngày 31/1/1968.
Năm 2018, Nauru có dân số khoảng 12.700 người, 58% trong số đó là người Nauru và người gốc Micronesia, trong khi phần còn lại là người dân các đảo Thái Bình Dương, người Hoa, người Philippines và người gốc châu Âu. Có khoảng 2.000 người Nauru sống ở Australia. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức và tiếng Nauru vẫn được sử dụng rộng rãi.
Nauru không có thủ đô, trung tâm hành chính nằm ở quận Aaron. Quốc đảo không có quân đội và hệ thống phòng thủ được Australia hỗ trợ. Nước này có khoảng 100 nhân viên cảnh sát.
Từng là một quốc gia giàu có, kinh tế Nauru tăng trưởng nóng trong suốt thập niên 1980 và từng có thời điểm thu nhập bình quân đầu người đứng thứ hai thế giới. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư không thành công của chính phủ sau này đã khiến đất nước chịu hậu quả.
Ngày nay, Nauru là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Nền kinh tế của đảo quốc nhỏ bé chủ yếu dựa vào xuất khẩu phốt phát, cấp giấy phép đánh cá và xuất khẩu trái cây nhiệt đới, đồng thời phụ thuộc nhiều vào viện trợ và tín dụng từ các đối tác - bao gồm đảo Đài Loan.
Năm 2020, GDP của Nauru khá thấp, đạt 110 triệu USD và GDP bình quân đầu người là 8.870 USD. Nauru không có tiền tệ quốc gia và đồng đô la Úc là tiền tệ chung.
Australia là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Nauru và nước này cũng đã thành lập một trung tâm sàng lọc người tị nạn ở Nauru trong những năm gần đây. Australia đã hỗ trợ cho Nauru khoảng 27 triệu đô la Úc mỗi năm.