Đài Loan (Trung Quốc) trước "giờ G": Vì sao hòn đảo đặc biệt quan trọng với quan hệ Mỹ-Trung?

Hữu Hiển |

Cuộc bầu cử lãnh đạo tại Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 13/1 nhấn mạnh tầm quan trọng về vị trí chiến lược, ngành công nghiệp chip hàng đầu và các yếu tố khác của hòn đảo này.

Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin, có tới 19,3 triệu cử tri ở Đài Loan (Trung Quốc) sẽ đi bầu lãnh đạo mới của hòn đảo vào ngày 13/1 tới. Lá phiếu của họ sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan trong nhiều năm tới, cũng như các mối quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quan hệ Mỹ - Trung Quốc.

Đài Loan (Trung Quốc) trước "giờ G": Vì sao hòn đảo đặc biệt quan trọng với quan hệ Mỹ-Trung?- Ảnh 1.

Các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tại Đài Loan (Trung Quốc): Ko Wen-je, William Lai Ching-te và Hou Yu-ih (từ trái sang). Ảnh: AFP

Theo SCMP, trong cuộc bầu cử sắp tới, ứng cử viên hàng đầu William Lai Ching-te của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) ủng hộ chính sách xa rời Bắc Kinh của lãnh đạo sắp mãn nhiệm Thái Anh Văn, dù vẫn để ngỏ khả năng đối thoại.

Đối thủ chính của ông, Hou Yu-ih của Quốc Dân Đảng (KMT) có xu hướng thân Bắc Kinh, đồng thời ủng hộ "đối thoại thực dụng" giữa hai bờ eo biển.

Một đối thủ khác, Ko Wen-je của Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), đề xuất hợp tác với Bắc Kinh trong khi duy trì hòa bình và hệ thống chính trị của hòn đảo.

Tại sao vị trí của Đài Loan quan trọng?

Theo SCMP, đảo Đài Loan nằm gần eo biển Đài Loan và Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới liên kết Đông Bắc Á với Trung Đông và Châu Âu, cho phép thông thương thực phẩm, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và hàng tiêu dùng…

Các chuyên gia nhận định rằng, một cuộc xung đột trong khu vực xung quanh đảo Đài Loan sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng thương mại toàn cầu và đẩy giá cả lên cao.

Theo SCMP, Washington cũng coi hòn đảo này là một "nút thắt quan trọng" trong chuỗi đảo đầu tiên chạy từ Borneo tới Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc - ba nước đồng minh của Mỹ và là nơi đặt căn cứ quân sự Mỹ.

Chuỗi đảo này có tầm quan trọng chiến lược đối với Washington vì việc đảm bảo được nó sẽ hạn chế việc Trung Quốc Đại lục triển khai quân đội ở phía tây Thái Bình Dương.

Trong khi đó, theo SCMP, Bắc Kinh coi chiến lược chuỗi đảo của Mỹ là chính sách kiềm chế nhằm vào nước này. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang cố gắng thách thức các giới hạn của chuỗi đảo này bằng các máy bay vận tải, máy bay ném bom chiến lược, tàu sân bay mới, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo có thể tấn công mục tiêu cách xa hơn 1.000 km.

Quan điểm của Trung Quốc Đại lục

Theo SCMP, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác định "phục hưng quốc gia" là mục tiêu mà Bắc Kinh phải đạt được vào giữa thế kỷ này, trong đó việc thống nhất Đài Loan được xem là một phần tất yếu.

Nhà Thanh - triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc - đã nhượng Đài Loan cho Nhật Bản vào năm 1895 sau khi thua trận. Năm 1945, Quốc Dân Đảng đã giành được quyền kiểm soát đảo này sau khi Nhật bị đánh bại trong Thế chiến 2. Quốc Dân Đảng đã chạy ra đảo Đài Loan sau khi thất bại trước Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1949.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, hiện thực hóa sự thống nhất giữa Đại lục và đảo Đài Loan là "mong muốn của 1,4 tỷ dân Trung Quốc". Trung Quốc Đại lục coi vấn đề Đài Loan là "ranh giới đỏ" không được vượt qua hoặc can thiệp bởi các thế lực bên ngoài.

Đài Loan (Trung Quốc) trước "giờ G": Vì sao hòn đảo đặc biệt quan trọng với quan hệ Mỹ-Trung?- Ảnh 2.

Vấn đề Đài Loan là một trong những bất đồng gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: VOX

Mối quan hệ của Mỹ với Đài Loan là gì?

Mỹ không có quan hệ chính thức với Đài Bắc và không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan. Washington cũng nhiều lần khẳng định tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc". Tuy nhiên, Đạo luật Quan hệ Đài Loan được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1979 yêu cầu Washington bảo vệ hòn đảo và cung cấp vũ khí "có lợi cho việc ngăn chặn" các hành động công kích thay vì chỉ vũ khí "phòng thủ".

Theo SCMP, từ năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có 4 lần đưa ra các phát ngôn rằng quân đội Mỹ sẽ hỗ trợ hòn đảo trong trường hợp Bắc Kinh sử dụng vũ lực.

Mỹ cũng phản đối việc đơn phương thay đổi hiện trạng của hòn đảo này.

Mỹ coi Đài Loan là một trong những "đối tác cùng chí hướng" ở châu Á. Mỹ cũng ủng hộ sự tham gia của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế - điều thường khiến Bắc Kinh phản ứng, cáo buộc đảng DPP cầm quyền của hòn đảo này "lợi dụng Mỹ để thúc đẩy độc lập".

Ngành công nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới

Theo SCMP, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) là nhà sản xuất chip tiên tiến theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Vì chuỗi cung ứng chip mang tính toàn cầu, việc gián đoạn hoạt động của TSMC có thể gây ra tình trạng thiếu chip cung cấp sức mạnh cho điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác trên toàn cầu.

Điều này đặt Đài Loan vào trung tâm của cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung. Các quốc gia khác cũng quan tâm đến việc bảo đảm rằng hòn đảo cung cấp hơn một nửa số lượng chip cho thế giới này không bị cuốn vào bất ổn.

Theo SCMP, Chính phủ Mỹ đang cấp các khoản tín dụng thuế và ưu đãi cho các công ty sản xuất chip ở Mỹ và đồng minh để đảm bảo vị trí dẫn đầu lâu dài của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ chip tiên tiến.

Vào năm 2020, họ cũng gần như cấm TSMC cung cấp chip cho gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc.

Nếu không có nhà cung cấp chip tiên tiến, các công ty Trung Quốc phải dựa vào các xưởng đúc bán dẫn khác tại Đại lục, chẳng hạn như Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại