Một trong những vấn đề làm đau đầu nhân loại chính là xử lý lượng rác thải khổng lồ tồn đọng mỗi năm. Về cơ bản, rác vốn là thứ chẳng ai muốn giữ lại, vậy mới có chuyện một năm 8 triệu tấn rác được thải ra biển, chưa kể hàng chục triệu tấn rác tồn đọng trên đất liền.
Vậy mà ở giữa trời Âu, có một quốc gia... thiếu rác đến nỗi phải nhập khẩu rác thải từ các nước khác. Quốc gia đó chính là Thụy Điển.
Thụy Điển - đất nước với con người chú trọng vào thiên nhiên, môi trường
Quốc gia này có hệ thống tái chế rác thải đáng mơ ước. Hệ thống ở đây hoạt động hiệu quả đến nỗi những năm gần đây, Thụy Điển phải nhập khẩu rác từ nhiều quốc gia khác để duy trì hoạt động của những nhà máy tái chế.
Theo thống kê, vào những năm 1975, tỉ lệ tái chế rác thải tại đây chỉ đạt hơn 30%. Còn ngày nay thì sao? Thụy Điển là quốc gia đầu tiên chạm mốc tái chế/tái sử dụng 99% rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Người Thụy Điển luôn chú trọng vào môi trường
"Người Thụy Điển luôn quan tâm đến môi trường, luôn cân nhắc việc làm của mình với các vấn đề liên quan đến thiên nhiên.
Truyền thông ở đây đã phải tốn khá nhiều thời gian để giúp người dân ý thức được chuyện không vứt ra đường những loại rác thải có khả năng tái chế hoặc tái sử dụng," - trích lời Anna-Carin Gripwall, giám đốc truyền thông của công ty xử lý rác thải Thụy Điển Avfall Sverig.
Ngày nay, mỗi hộ gia đình Thụy Điển vẫn luôn tự động phân loại rác thải mà chẳng cần ai nhắc nhở. Giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh, đồ điện gia dụng, pin... thậm chí cả thực phẩm nữa. Tất cả đều sẽ được tái sử dụng.
Phân loại rác là chuyện.... bình thường ở huyện
Giấy được nghiền thành vụn để tạo ra giấy mới, chai nhựa bị nung chảy để tạo ra vật dụng mới; thực phẩm thừa trở thành phân bón.
Xe thu gom rác cũng được chạy bằng điện hoặc biogas (khí sinh học). Thậm chí đến các hiệu thuốc cũng chấp nhận mua lại thuốc thừa, khiến rác thải y tế ở đây gần như không có.
Đường đi của rác thải đến nhà máy
Ngoài ra, người dân Thụy Điển luôn có xu hướng lựa chọn mua đồ thân thiện với môi trường. Các nhà hàng, cửa tiệm cũng đưa ra nhiều ưu đãi ủng hộ điều đó, như đổi quần áo cũ để được giảm giá, hoặc đổi vỏ chai bia lấy bánh hamburger...
Hệ thống biến rác thành nhiên liệu
Trong số 99% rác tái chế, có khoảng 50% sẽ được đốt, nhưng là để tạo thành một nguồn năng lượng mới. Nguồn năng lượng này sẽ được quay vòng, trở thành nguồn nhiệt sưởi ấm cho các tòa nhà trong mùa đông khắc nghiệt.
"Đó là một trong những thành tựu lớn nhất, chúng tôi có thể tận dụng nguồn nhiệt từ các nhà máy xử lý rác. Đa số quốc gia không làm được điều này, nhiệt cứ theo ống khói mà bay mất.
Chúng tôi lại sử dụng nó để thay thế cho nhiên liệu hóa thạch," - bà Gripwell cho biết.
Các nhà máy tại Thụy Điển hoạt động cực kỳ hiệu quả, qua thời gian trở thành một hệ thống có công suất lớn, lại thu được lợi nhuận.
Đến mức trong năm 2014, Thụy Điển đã phải nhập khẩu tới 2,7 triệu tấn rác chỉ để duy trì hoạt động của các nhà máy.
Rác đốt đi vẫn còn tro bụi, và chúng chiếm tới 15% khối lượng trước khi đốt. Tuy nhiên, số tro này sẽ được sàng lọc lại một lần nữa.
Kim loại được tái sử dụng, trong khi sứ và gốm không cháy được sẽ tận dụng để xây đường. Cuối cùng, chỉ còn khoảng 1% rác thải không thể sử dụng được nữa, buộc phải đưa ra ngoài môi trường.
Nhà máy tái chế của đáng mơ ước của Thụy Điển
Nhiều người có thể thắc mắc rằng việc đốt rác sẽ tạo ra khí thải độc hại cho môi trường. Nhưng do khâu phân loại quá kỹ càng, cộng thêm quy mô nhà máy lớn, đốt ở nhiệt độ cao... nên 99% khí thải không gây độc hại.
Dù vậy, lượng khí và nước thải cũng trải qua một lần lọc nữa trước khi giải phóng ra thiên nhiên.
Thành quả của Thụy Điển xuất phát từ việc tuyên truyền ý thức quan tâm đến thiên nhiên vào cuối thế kỷ 20.
Cụ thể hơn thì từ những năm 1990, Thụy Điển đã tiên phong đánh thuế rất nặng vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời luôn chú trọng vào những nguồn nhiên liệu sạch, dễ thay thế.
Đến nay, quá nửa nguồn điện năng ở đất nước này có thể quay vòng.
Tuy vậy, ngay đến hệ thống quay vòng năng lượng tuyệt vời này cũng vấp phải không ít phản đối vì... tái chế chưa đủ.
Các nhà máy giấy tại đây cho rằng một tờ giấy có thể tái chế được ít nhất 6 lần, trước khi chính thức trở thành cát bụi. Nếu đốt giấy quá sớm, quá trình tái chế có thể bị đình trệ.
Chính vì thế mà Weine Wiqvist, CEO của Avfall Sverig vẫn luôn ấp ủ rằng Thụy Điển có thể làm được nhiều hơn thế. Ông cho rằng việc tăng cường tái chế nguyên vật liệu sẽ đồng nghĩa với việc dùng ít năng lượng hơn, và chắc chắn sẽ hiệu quả hơn việc đốt rác để lấy năng lượng.
"Chúng tôi đang leo từng bậc thang để thay đổi từ đốt rác đến tái chế hoàn toàn".
Ngoài ra, Sverig đánh giá việc nhập khẩu rác chỉ là giải pháp tình thế. "Các quốc gia cần phải xây những nhà máy tái chế của riêng mình, giống như chúng tôi đang cố gắng tại Thụy Điển." - ông cho biết.
Muốn sở hữu thành tựu như Thụy Điển, các quốc gia cần đầu tư vào cơ sở vật chất, và tất nhiên cần cả thời gian nữa. Nhưng chúng ta hãy cứ mơ ước đi, nếu một ngày cả thế giới đều như Thụy Điển thì Trái đất hẳn sẽ mừng lắm.
Nguồn: Independent, Sweden recycle, Sverige