Siêu du thuyền Solaris có liên hệ với tỷ phú Nga Roman Abramovich cập cảng Bodrum, phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 21/3. Ảnh Reuters
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga nhưng phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO mới đây đã gây bất ngờ khi tuyên bố chào đón các nhà tài phiệt Nga đến nước này bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu.
Hôm 26/3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố hoan nghênh các nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt đến đất nước này với tư cách là khách du lịch và nhà đầu tư, miễn là mọi giao dịch kinh doanh là tuân theo phạm vi luật pháp quốc tế.
"Tâm điểm" từ những siêu du thuyền
Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành tâm điểm chú ý trong tuần này khi chứng kiến sự xuất hiện của hai siêu du thuyền trị giá hàng triệu USD, được cho là thuộc về nhà tài phiệt người Nga Roman Abramovich - theo đúng nghĩa đen là lách các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Với mỗi du thuyền trị giá ước tính khoảng 600 triệu USD trở lên, tỷ phú Abramovich được cho là đang cố luồn lách để "đóng" 1,2 tỷ USD ở quốc gia không thuộc EU khi tìm cách chuyển tài sản của mình ra khỏi tầm với của các chính phủ Mỹ, Anh và EU nhằm vào giới thượng lưu giàu có của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đây là một động thái hợp pháp, miễn là các du thuyền vẫn ở bên ngoài lãnh hải của các quốc gia trừng phạt, kéo dài 12 hải lý tính từ đường bờ biển.
Trò chuyện với nữ nhà báo Hadley Gamble của NBC tại Diễn đàn Doha của Qatar, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng bất kỳ hoạt động nào cũng phải hợp pháp.
"Chúng tôi chỉ thực hiện các biện pháp trừng phạt đã được Liên Hợp Quốc thông qua, vì vậy nếu bất kỳ công dân Nga nào muốn đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, tất nhiên, họ có thể đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Và tất nhiên cũng không có vấn đề gì khi người Nga đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ", ông Cavusoglu nói.
Khi được hỏi rằng liệu động thái lần này có mở rộng sang đầu tư và kinh doanh hay không, ông Cavusoglu trả lời: "Nếu bạn muốn hỏi rằng những nhà tài phiệt này có thể kinh doanh bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ở Thổ Nhĩ Kỳ hay không, thì tất nhiên nếu điều đó hợp pháp và không vi phạm luật pháp quốc tế, tôi sẽ xem xét", ông Cavusoglu nhấn mạnh.
"Nếu họ vi phạm luật pháp quốc tế thì đó là một câu chuyện khác", ông nói thêm.
Một du thuyền của tỷ phú Nga bị tịch thu tại Pháp. Ảnh: Reuters
"Người hòa giải"
Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine nhưng phản đối các biện pháp trừng phạt mà các đồng minh NATO của họ áp đặt nhằm vào Moscow.
Với mối quan hệ ngoại giao và kinh tế chặt chẽ với Nga, đặc biệt là liên quan đến nhập khẩu khí đốt và mối quan hệ đôi khi bất ổn với các đối tác phương Tây, điều đó khó có thể sớm thay đổi.
Khi chiến sự bùng nổ, Thổ Nhĩ Kỳ đã tự định vị mình là một nhà hòa giải trung lập và quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine và thậm chí Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte gần đây đã ca ngợi đất nước này vì đã "làm tất cả những gì có thể làm".
Điều đó đã khiến nước này trở thành một điểm đến được người Nga lựa chọn khi họ đang tìm cách bảo toàn của cải và đầu tư vào một thị trường toàn cầu ngày càng hiếu khách.
Ông Cavusoglu cũng có mặt khi Ngoại trưởng Nga và Ukraine, Sergei Lavrov-Dmytro Kuleba, gặp nhau để hội đàm tại thị trấn nghỉ mát Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng 3. Nhưng các cuộc thảo luận đó không mang lại kết quả rõ ràng nào.
Ngoại trưởng Cavusoglu gần đây cũng đã đến cả Nga và Ukraine để hội đàm với những người đồng cấp Lavrov và Kuleba. Sau đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói với các phóng viên rằng đã có "sự hợp tác giữa hai bên về các chủ đề quan trọng".
Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Nga trong những năm qua trong các lĩnh vực như quốc phòng, năng lượng và thương mại, đồng thời nước này cũng phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực du lịch.
Nhưng Ankara cũng đã bán máy bay không người lái cho Kiev, một hệ thống vũ khí hoạt động hiệu quả chống lại Nga, khiến Moscow tức giận.
Trở lại năm 2020, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ về thương vụ vũ khí khủng với Nga khi Ankara mua lại hệ thống tên lửa S-400 trị giá hàng tỷ USD.
Phát biểu hôm 26/3, ông Cavusoglu vẫn khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ cần nhiều hệ thống phòng không hơn và từ chối loại trừ khả năng sẽ mua thêm từ Moscow.
"Chúng tôi muốn mua vũ khí từ Mỹ và từ các đồng minh của chúng tôi. Và nếu chúng tôi không thể mua hàng từ các đồng minh của mình thì tôi phải tìm một nguồn khác", ông nói với CNBC, bày tỏ sự tiếc nuối về thời gian dài mà một thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng châu Âu đã đạt được.
"Đất nước tôi là một quốc gia có chủ quyền và tôi phải bảo vệ đất nước, phải mua những gì mình cần từ bất kỳ quốc gia nào có thể", ông nhấn mạnh.