Quốc gia ĐNÁ muốn cạnh tranh với Việt Nam về 'vua trái cây': Người Trung Quốc đổ xô tới đầu tư, tham vọng trở thành thế lực thứ 4 chia sẻ miếng bánh 6,7 tỷ USD

Băng Băng |

Năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu tới 6,7 tỷ USD sầu riêng từ Đông Nam Á, gấp 12 lần năm 2017 và các tuyến đường sắt qua biên giới là một yếu tố thúc đẩy cho ngành này.

 - Ảnh 1.

"Tôi tin rằng Lào sẽ sớm trở thành nước sản xuất sầu riêng lớn thứ tư thế giới, sau Thái Lan, Việt Nam và Malaysia", ông chủ người Trung Quốc Tao Jian của hãng Jinguo tự hào nói sau vụ thu hoạch đầu tiên của khu trang trại 50.000 cây sầu riêng tại Cao nguyên Bolaven ở miền Nam Lào.

Khu vực này từng được coi là thủ phủ cà phê của Lào nhưng đang nhanh chóng chuyển mình sang loại nông sản được gọi là "vua trái cây mới" trước cơn thèm khát của người dân Trung Quốc.

Theo tờ Nikkei Asian Review, các nhà đầu tư Trung Quốc như Tao đang đổ xô đến để thành lập các đồn điền sầu riêng ở Lào với mục đích xuất khẩu nông sản này về nước.

Nhờ hệ thống đường sắt cao tốc Trung-Lào mà nhiều người kỳ vọng ngành này sẽ bùng nổ để đem về lợi ích cho nền kinh tế nghèo nhất Đông Nam Á (ĐNÁ).

Tất nhiên, đi kèm với đó là những lo ngại về ô nhiễm môi trường, phá rừng và ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học tại Lào.

Bám theo đường sắt

Mặc dù Trung Quốc chưa cho phép sầu riêng Lào vào thị trường nội địa nhưng với lợi thế đường sắt cao tốc nối liền qua biên giới, các nhà đầu tư kỳ vọng 2 nước đang đàm phán và vấn đề phê duyệt chỉ là thời gian.

Bộ trưởng nông nghiệp Lào Bounchanh Kombounyasith thậm chí từng tuyên bố sản phẩm sầu riêng của nước này sẽ sớm xuất hiện ở Trung Quốc.

Sầu riêng là loại trái cây này có mùi rất nồng đến mức bị cấm trên các phương tiện giao thông công cộng ở những nơi như Thái Lan.

Tuy nhiên hương thơm đặc trưng và vị ngọt của nó đã thu hút được lượng người hâm mộ đông đảo ở Trung Quốc, qua đó thúc đẩy sự mở rộng nhanh chóng của hoạt động thương mại nông sản này.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Trung Quốc tiếp nhận tới 95% lượng sầu riêng xuất khẩu toàn cầu. Năm 2023, Trung Quốc đã mua 6,7 tỷ USD sầu riêng từ Đông Nam Á, gấp 12 lần so với năm 2017.

Phần lớn các thị trường ở ĐNÁ đang gấp rút gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu Trung Quốc. Trong 12 năm qua, sản lượng sầu riêng của Thái Lan đã tăng gần gấp ba lần.

Tại Việt Nam, nông dân trồng cà phê đang chuyển qua trồng sầu riêng, còn tại Malaysia, các rừng mưa nhiệt đới bị đốn hạ để làm đồn điền sầu riêng.

Tuy nhiên Lào lại đang trở thành địa điểm được nhiều nhà đầu tư Trung Quốc ưu ái khi có khí hậu phù hợp, nhân công giá rẻ, lượng lớn đất đai chưa được khai phá và đặc biệt là có tuyến đường sắt tốc độ cao xuyên biên giới.

 - Ảnh 3.

Sầu riêng có thể được bán với giá từ 10 USD đến hàng trăm USD mỗi kg tùy thuộc vào giống. Những cây khỏe mạnh và trưởng thành có thể tạo ra lợi nhuận béo bở trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên vì phải mất hơn 5 năm để chúng ra quả nên việc trồng trọt đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mỉ, một mảnh đất rộng lớn và các khoản đầu tư dài hạn cao.

Mặc dù sầu riêng có nguồn gốc từ Đông Nam Á nhưng ngành công nghiệp này ở Lào mới chỉ bắt đầu bén rễ. Cho đến một thập kỷ trước, loại quả này chủ yếu được tìm thấy trên cây ở sân sau của các gia đình Lào chứ không được trồng trên diện rộng.

Bất chấp điều đó, các nhà đầu tư Trung Quốc có thừa tài chính và nguồn lực để xây dựng ngành công nghiệp sầu riêng trên đất Lào, đồng thời sẵn sàng gửi tiền ra nước ngoài để đầu tư.

Bản thân giám đốc Tao của hãng Jinguo từng là nhà đầu tư bất động sản tại Trung Quốc. Tuy vậy vào năm 2017, sau khi chứng kiến cuộc khủng hoảng nhà ở, người đàn ông này quyết định chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài.

"Tầm nhìn của tôi là rời khỏi Trung Quốc, nhưng đầu tư vào thứ gì đó liên quan đến Trung Quốc và đáp ứng nhu cầu của 1,4 tỷ người", giám đốc Tao nói.

Khủng hoảng vẫn ăn sầu riêng

Tờ Nikkei cho biết dù nền kinh tế Trung Quốc khá ảm đạm nhưng nhu cầu sầu riêng tại đây không hề đi xuống. Trong khi chính quyền Bắc Kinh phải dùng đến một loạt các biện pháp kích thích để hỗ trợ tăng trưởng đang chậm lại thì cơn sốt sầu riêng của người dân vẫn tiếp diễn ngày một rộng hơn.

Tương tự như giám đốc Tao, hàng loạt nhà đầu tư Trung Quốc đang tìm kiếm các dự án sinh lời ở nước ngoài trong bối cảnh kinh tế ảm đạm trong nước và ĐNÁ cũng như ngành sầu riêng là một trong những thứ thu hút nhất.

 - Ảnh 4.

Một công ty Trung Quốc khác tham gia vào cơn sốt sầu riêng của Lào là Jiarun khi cam kết thành lập đồn điền sầu riêng lớn nhất thế giới tại Attapeu, một tỉnh xa xôi ở miền Nam Lào.

Năm 2022, công ty Jiarun đã ký hợp đồng thuê 50 năm với chính phủ Lào cho 5.000 ha đất, gấp 15 lần diện tích Công viên Trung tâm New York, với ý định trồng cây sầu riêng trên hơn một nửa diện tích đó.

"Chúng tôi muốn kết hợp mô hình nông nghiệp của Trung Quốc với nguồn tài nguyên của Lào. Đông Nam Á hiện là vùng đất của cơ hội, trái với nền kinh tế Trung Quốc đang bị hạn chế về tăng trưởng", Phó giám đốc He Ruijun của một công ty con địa phương thuộc Jiarun cho biết.

Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Lào kể từ năm 2016. Một trong những dự án sáng giá nhất là tuyến đường sắt cao tốc Trung-Lào nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Tuyến đường sắt này được đưa vào hoạt động vào tháng 12 năm 2021, rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Viêng Chăn của Lào đến Côn Minh, một trung tâm thương mại lớn ở Tây Nam Trung Quốc, xuống còn chưa đầy 10 giờ.

"Đối với những người sản xuất trái cây như chúng tôi, tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc rất thuận tiện vì tiết kiệm chi phí và thời gian", ông He cho biết.

Vận chuyển sầu riêng là cuộc đua với thời gian vì trái cây tươi chín có thể bị thối trong vòng vài ngày. Tàu hỏa là phương tiện vận chuyển hiệu quả và đáng tin cậy nhất. Tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc đã chứng minh được sự thay đổi cuộc chơi đối với sầu riêng Thái Lan, loại quả ngày càng được vận chuyển đến Trung Quốc thông qua tuyến đường sắt này.

"Trong vòng chưa đầy 48 giờ sau khi thu hoạch, sầu riêng của chúng tôi có thể đến tay người tiêu dùng Trung Quốc", giám đốc Tao tự hào nói.

 - Ảnh 5.

Lào mất 14% diện tích rừng nguyên sinh trong 20 năm

Tàn phá và ô nhiễm

Tất nhiên, nhiều nhà hoạt động môi trường cũng tỏ ra lo ngại bởi Lào có một số khu rừng nhiệt đới còn nguyên vẹn cuối cùng còn sót lại ở Đông Nam Á, nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật.

Thế nhưng báo cáo của Global Forest Watch cho thấy diện tích rừng nguyên sinh ở Lào đã giảm 14% từ năm 2002 đến năm 2023, nguyên nhân chính là khai thác gỗ trái phép, xây dựng cơ sở hạ tầng và nông nghiệp quy mô lớn.

Một vấn đề nữa là ô nhiễm môi trường do sử dụng phân bón cùng thuốc trừ sâu.

Năm 2016, một đợt bùng nổ trồng chuối do nhu cầu từ Trung Quốc thúc đẩy ở miền bắc Lào đã khiến công nhân bị ốm và nguồn nước bị ô nhiễm, khiến chính phủ Lào phải cấm mở các đồn điền chuối mới.

Bên cạnh đó, việc trồng sầu riêng ở Lào không hề dễ dàng. Đã 2 năm kể từ khi mua đất nhưng hãng Jiarun của giám đốc Tao mới chỉ trồng được 1% diện tích đất của mình. Tệ hơn nữa, nhiều cây sầu riêng đầu tiên đã chết do quản lý nước kém và côn trùng phá hoại.

Bất chấp điều đó, giám đốc Tao vẫn tin vào canh bạc của mình.

"Đó sẽ là một cảnh tượng thực sự đẹp khi tất cả các cây sầu riêng trong vườn đều trĩu quả", giám đốc Tao mong đợi.

*Nguồn: Nikkei

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại