Theo Reuters, BYD cùng các nhà sản xuất ô tô khác của Trung Quốc đang ồ ạt đưa xe điện của mình đến Australia, một thị trường mà họ không phải đối mặt với những rào cản thương mại, doanh số bán hàng đã tăng vọt nhờ trợ cấp xe điện, lợi ích về thuế cũng như giá xăng liên tục tăng cao.
Kể từ năm 2022, chính phủ Australia đã tích cực thúc đẩy áp dụng xe điện như một phần trong kế hoạch cắt giảm khí thải của quốc gia này. Những chính sách mới đã tạo ra một luồng gió nhu cầu mạnh mẽ dành cho xe điện, giúp doanh số nhóm xe này tăng từ 3,1% thị phần ô tô mới tại Australia năm 2022 lên 7,2% trong năm 2023.
Trong đó, Tesla đã hưởng lợi rất nhiều từ chính sách của Australia, trong khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc với các sản phẩm xe điện giá rẻ đang trở thành mối đe dọa lớn dành cho những tên tuổi lâu đời như Toyota hay Ford, hãng có nhiều xe chạy xăng đồng nghĩa với việc có nhiều thứ để mất hơn.
Năm ngoái, doanh số của BYD đạt hơn 12.000 xe, tăng gần 6 lần so với năm 2022, thời điểm hãng gia nhập thị trường Australia. Thương hiệu Trung Quốc hiện nắm giữ 14% thị phần xe điện tại Australia, chỉ xếp sau Tesla (53%), theo dữ liệu từ Phòng Công nghiệp Ô tô Liên bang Australia.
Ông David Smitherman - CEO của EVDirect, nhà phân phối của BYD tại Australia - cho biết cơ hội là rất rõ ràng. Ông cũng tiết lộ BYD sẽ sớm bổ sung 2 mẫu SUV và thêm một bán tải để nâng tổng sản phẩm của hãng ô tô Trung Quốc tại Australia lên con số 6 trong năm nay.
Một thương hiệu khác đến từ nước tỷ dân là SAIC Motor cũng sẽ ra mắt 3 mẫu xe mới trong năm nay tại thị trường Australia. Các mẫu xe được ra mắt dưới thương hiệu MG, bao gồm MG3 plug-in hybrid cùng với xe điện MG Cyberster, qua đó nâng tổng sản phẩm EV/hybrid của hãng tại Australia lên 5 mẫu.
Các nhà sản xuất ô tô truyền thống cũng đang tìm cách cải thiện 'cuộc chơi' của họ. Ford đang có 2 mẫu xe điện tại thị trường Australia bên cạnh 3 mẫu xe khác chuẩn bị xuất xưởng.
Toyota cũng vừa ra mắt mẫu ô tô điện đầu tiên, bên cạnh 9 mẫu xe hybrid khác đến khách hàng Australia. Đại diện Toyota khẳng định tự tin vào chiến lược mở rộng dải sản phẩm hybrid, đồng thời tăng trưởng đều đặn cho nhóm ô tô thuần điện.
Một thị trường hấp dẫn
Australia vẫn là một thị trường ô tô sở hữu quy mô tương đối nhỏ, với doanh số chỉ ở mức 1,2 triệu xe trong năm 2023. Tuy nhiên với nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, xứ sở chuột túi lại là một thị trường tương đối hấp dẫn.
Lý do là bởi Australia không sở hữu một nền công nghiệp ô tô hoàn chỉnh và được xem là không có khả năng đưa ra các rào cản thương mại bảo hộ.
Được biết, hãng xe khởi nghiệp Leapmotor của Trung Quốc, hợp tác với Stellantis để mở rộng hoạt động ra toàn cầu, đã nhấn mạnh Australia là thị trường cần ưu tiên do sự thiếu vắng của các nhà sản xuất ô tô địa phương.
Trong khi đó, châu Âu cũng như Mỹ đã mở hàng loạt cuộc điều tra nhắm đến các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc.
Ở hướng ngược lại, Australia đang cho thấy nhiều nỗ lực thúc đẩy sử dụng ô tô điện thông qua chính sách miễn thuế với các hợp đồng thuê và mua ô tô điện.
Chính quyền 3 bang đông dân nhất nước này là Queensland, New South Wales và Victoria đã đặt mục tiêu đưa xe điện nắm giữ 50% tổng doanh số ô tô mới vào năm 2030, đồng thời thực hiện các chính sách giảm giá cho xe điện và đầu tư xây dựng các trạm sạc. Theo đó, các khoản giảm giá ở bang Queensland đã giúp một chiếc BYD Atto 3 có giá thấp hơn Toyota RAV4, mẫu crossover chạy xăng.
Những chính sách hấp dẫn khiến nhu cầu xe điện được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong vòng vài năm tới. PwC ước tính một nửa doanh số ô tô mới tại Australia sẽ là xe điện vào năm 2027, trong khi Fitch Ratings dự đoán con số này sẽ đạt 18% vào năm 2032, đây là cơ hội lớn cho nhiều nhà sản xuất ô tô trên thế giới.
Tham khảo: Reuters