Bỉ, một trong những quốc gia nhập khẩu khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) của Nga nhiều nhất châu Âu, đang thúc giục EU đẩy nhanh quyết định cấm nhiên liệu của Nga. Nước này cũng cảnh báo rằng các doanh nghiệp trong nước không thể phá vỡ các hợp đồng dài hạn, trừ toàn bộ khối áp đặt lệnh trừng phạt.
Tinne Van der Straeten, Bộ trưởng Năng lượng Bỉ, cho biết EU cần “mạnh tay hơn” để chặn nguồn cung LNG của Nga đến khối này và bày tỏ mối lo ngại khi lượng LNG nhập khẩu sẽ tăng lên.
Các quy định do Brussels đưa ra vào tháng 12 năm ngoái nhằm ngăn chặn các công ty năng lượng Nga sử dụng cơ sở hạ tầng ở EU. Theo bà Van der Straeten, động thái này vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý để các công ty dùng các cảng ở Bỉ cắt hợp đồng, ví dụ như cảng Zeebrugge, trung tâm nhập khẩu và tái xuất khẩu LNG sang các nước thứ 3.
Thông thường, các hợp đồng LNG có thời hạn trong 1 thập kỷ hoặc dài hơn. Do đó, nhiều hợp đồng đang có hiệu lực đã được ký kết từ trước khi mâu thuẫn Nga - Ukraine xảy ra.
Sophie Hermans, Bộ trưởng Khí hậu và Tăng trưởng xanh của Hà Lan hồi đầu tuần cho biết bà sẽ nêu vấn đề này tại cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU vào tháng tới.
Theo Hermans, số lượng tàu chở khí đốt của Nga đến nhà ga chính Gate của Rotterdam đã tăng mạnh trong năm nay, từ trung bình 1 tàu mỗi tháng từ giữa năm 2022 đến giữa năm 2024 lên 2 tàu mỗi tháng vào mùa hè. Một tàu chở dầu cỡ tiêu chuẩn thường chở khoảng 70.000 đến 80.000 tấn khí đốt.
Bà Hermans cho hay: “Chúng tôi không thể chấm dứt các hợp đồng tư nhân mà không có quy tắc trừng phạt từ EC.”
Brussels đã liên tục thúc giục các nước EU cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch của Nga. Tuy nhiên, EU chỉ cấm các nhà xuất khẩu khí đốt của Nga sử dụng các cảng khối để chuyển khí đốt giữa các tàu cho các nước thứ ba và không có lệnh cấm hoàn toàn đối với các quốc gia EU mua nhiên liệu. Ngoài ra, quy định này được nhất trí hồi tháng 6 song vẫn chưa có hiệu lực.
Sau Tây Ban Nha, Bỉ là nước nhập khẩu LNG của Nga lớn thứ 2 ở EU vào năm 2023, theo hãng phân tích Kpler. Trong năm nay, Pháp có thể lên vị trí dẫn đầu sau khi lượng nhập khẩu vào Dunkirk và Montoir tăng lên.
Bất chấp áp lực từ các nước như Bỉ hay Hà Lan trong việc áp đặt lệnh trừng phạt với LNG của Nga, sự nhất trí của các thành viên EU dường như lại ít khả năng được đảm bảo. Ví dụ, Hungary thường xuyên phản đối việc thực hiện các biện pháp cứng rắn để giảm nhập khẩu nhiên liệu hoá thạch của Nga.
Tham khảo FT