Quấy rối tình dục nơi công sở không phải hiện tượng hiếm có. Nó có thể biến công ty thành môi trường độc hại dù cho công việc có tuyệt vời đến đâu. Vấn đề với phần lớn nạn nhân là không nhận định được: mức độ nào thì nên báo cáo và phải làm gì nếu gặp phải.
Đáng nói, những vụ xâm hại tình dục chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng lại có thể giày vò nạn nhân cả đời, để lại những tổn thương tâm lý vô cùng nặng nề.
QUẤY RỐI TÌNH DỤC NƠI CÔNG SỞ: CHUYỆN DỄ ĐÙA, KHÓ XỬ LÝ
Một nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế - cho thấy, đa số nạn nhân bị quấy rối tình dục là nữ giới (chiếm tỉ lệ 78,2%) và ở độ tuổi từ 18 - 30. Phần lớn nạn nhân chỉ bắt đầu tìm kiếm sự trợ giúp khi họ bị quấy rối nghiêm trọng trong thời gian dài.
Đến lúc tìm đến sự trợ giúp thì việc xử lý sẽ như thế nào đây? Thực chất, xử lý những vụ việc liên quan quấy rối tình dục còn rất rườm rà, khó tìm bằng chứng nên ít có kết quả, có khi còn ảnh hưởng đến công việc, gia đình của những người tố cáo.
Rất nhiều người đã từng bị quấy rối tình dục ở các mức độ khác nhau nhưng phần lớn đều chỉ biết âm thầm chịu đựng vì tâm lý mặc cảm, xấu hổ, sợ thị phi. Với văn hóa Á Đông, chủ đề này thường được coi là nhạy cảm để thảo luận công khai vì còn quá nhiều định kiến đối với các nạn nhân.
Chị Nguyễn Thanh Huyền, huyện Đông Anh, Hà Nội chia sẻ về vấn đề này: "Nhiều khi mình lên án hành động đấy thì không giải quyết được vấn đề gì. Họ im lặng vì họ sợ khi lên tiếng sẽ ảnh hưởng đến công việc, gia đình và cả chính bản thân họ nữa".
Sắp tới, sự thay đổi của Bộ Quy tắc ứng xử tại nơi làm việc do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội biên soạn lại sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc "định vị" hành vi quấy rối tình dục. Khi đó vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, các tổ chức bảo vệ người lao động rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng quấy rối tình dục.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy - Giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển Nam Việt chia sẻ: "Nhắc đến những quy tắc thì nghe rất cứng nhưng thực tế thì ai cũng mong muốn điều đó. Bản thân mình là một lãnh đạo nữ, mình nghĩ những bộ quy tắc đó rất đáng để làm, để hoàn thiện".
Bà Lê Xuân - Tổng Giám đốc điều hành Công ty Áo cưới Anh Xuân bày tỏ: "Mình nghĩ rằng nếu xây dựng một văn hóa làm việc rất tốt. Ngay cả công ty cũng tự tạo những quy tắc riêng, từ việc hạn chế nhắc tới những nội dung nhạy cảm, hay giữ khoảng cách chỗ ngồi làm việc để tránh mọi những chuyện tiêu cực có thể xảy ra".
Theo ý kiến của các chuyên gia, các quy tắc ứng xử này không phải là cơ sở pháp lý để xem xét giải quyết mà chỉ mang ý nghĩa khuyến khích mọi người tuân theo. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc hoàn thiện khái niệm "quấy rối tình dục", cách nhận dạng, mô tả hành vi "quấy rối tình dục" trong những quy định pháp luật mới là giải pháp quan trọng.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho biết: "Phải liệt kê chi tiết, chúng ta mới xử lý được, một người tố cáo người khác thì phải liệt kê ra được: tại sao bạn nói rằng, bạn cảm thấy đó là hành vi quấy rối tình dục".
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng
Luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật Minh Bạch cho biết: "Ngay trong Bộ luật Lao động, khái niệm quấy rối tình dục đã khó xác minh, bởi nó có rất nhiều thứ, có thể bằng hành động hoặc không hành động. Đôi khi chỉ là ánh mắt, lời nói bông đùa, nên để thu thập chứng cứ rất khó và hầu như chưa có vụ việc nào được xử lí. Nhiều vụ việc bị truyền thông ngược, khiến người tố cáo cảm thấy chính mình là người bị dư luận tấn công nên họ lựa chọn im lặng".
Hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục tại chốn công sở không hề hiếm gặp nhưng người lao động là nạn nhân thường chọn cách im lặng. Trên thực tế, để thẳng thắn lên tiếng về hành vi bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc là không hề dễ dàng. Bởi những định kiến xã hội và tâm lý e ngại, do đó họ hoàn toàn phải chịu đựng những nỗi đau đó một mình.
QUẤY RỐI NƠI CÔNG SỞ: IM LẶNG HAY LÊN TIẾNG ?
"Bạn ấy dũng cảm hơn em vì đã dám lên tiếng. Cho đến cái ngày mà em dám nói ra cảm xúc của mình cũng phải rơi vào 7,8 năm sau. Khi đó em là hướng dẫn viên du lịch, em có dẫn người ta đến một địa điểm vắng người và người ta đụng chạm vào cơ thể của em .
Em có kể với mẹ nhưng không nói rằng lúc đó con đã rất sợ. Có thể mọi người thấy bình thường, chỉ nhắn tin hay sờ một tí vào người, nhưng họ không biết rằng càng về sau họ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Nó mục ruỗng dần và đôi khi khi nhận ra thì đã quá muộn. Nếu em nói ra sớm hơn thì đã không phải ôm cái đau khổ đấy đến bây giờ" - một nhân vật chia sẻ.
"Mình không muốn là phải dậy em gái mình hoặc khuyên bảo những người phụ nữ ngoài kia rằng mình phải học cách phản xạ khi bị quấy rối tình dục và làm thế nào để làm được điều đấy, bạn phải trải qua điều đấy đủ nhiều. Phụ nữ xứng đáng có một môi trường làm việc an toàn. Càng nhiều người lên tiếng thì vấn đề này càng được đẩy mạnh. Các công ty cần làm tốt hơn trong việc bảo vệ nạn nhân như chính việc họ bảo vệ thương hiệu của họ" - nhân vật chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan - Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: "Đầu tiên các bạn phải nhận thức được đâu là hành vi quấy rối tình dục. Thứ hai là thu thập những bằng chứng. Thứ ba là phải dũng cảm lên tiếng, Thứ 4 là chia sẻ câu chuyện với đồng nghiệp, quản lí doanh nghiệp và với các cơ quan pháp lý, tổ chức nếu cần thiết. Và chúng ta phải nhận thức được rằng tình trạng này ngày càng được quan tâm và hành vi quấy rối tình dục là hành vi vi phạm pháp luật".