Quát mắng, trừng phạt không thể giúp trẻ dễ bảo hơn: 'Quyền cao chức trọng' đến đâu cũng phải nhớ rằng cha mẹ cần giáo dục, chia sẻ chứ đừng kiểm soát con

Trần Ngọc |

Bạn làm gì khi những đứa trẻ không nghe lời, hay không thực hiện được một việc mà bạn yêu cầu chúng? Phổ biến nhất, chúng ta thấy những hình phạt. Dù nhẹ nhàng hay nặng nề, thực sự hay chỉ mang tính răn đe thì đó vẫn hoàn toàn không phải là cách làm hay để trẻ em có một sự phát triển đúng đắn.

Những hình phạt có hại nhiều hơn cho con trẻ

Theo Alan Kazdin, giám đốc Trung tâm nuôi dạy con cái Yale, những hình phạt có thể khiến cha mẹ cảm thấy tốt hơn trong việc dạy dỗ con cái. 

Nhưng ngược lại, nó chẳng có ích gì trong việc giúp thay đổi hành vi của những đứa trẻ. 

“Ban đầu cha mẹ có thể nói lý, rồi nó dẫn đến những hành vi hơi quá hơn như quát mắng, động chạm và truy hỏi. Kể cả khi những hình phạt có vẻ ‘nhẹ nhàng’ hơn như là cho trẻ thời gian suy nghĩ hay gì đó – tất cả đều vô ích thôi”.

Quát mắng, trừng phạt không thể giúp trẻ dễ bảo hơn: Quyền cao chức trọng đến đâu cũng phải nhớ rằng cha mẹ cần giáo dục, chia sẻ chứ đừng kiểm soát con - Ảnh 1.

Thay vì giúp trẻ nhìn nhận ra vấn đề và chủ động thay đổi hành vi của mình, những hình phạt dù nặng dù nhẹ của cha mẹ đều có thể khiến trẻ nhỏ rơi vào những trường hợp sau:

- Gây ra oán hận: Những hình phạt thì thường không kéo dài nhưng về lâu dài, nó khiến con trẻ hình thành thái độ bất hợp tác vì chúng cảm thấy phẫn nộ với bạn. Nói cách khác, nó làm giảm kết nối giữa bạn và con cái.

- Gây tổn thương tâm lý: Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ bị trừng phạt về thể xác (ví dụ, đánh đòn) có xu hướng hành động hung hăng trong các tương tác xã hội. 

Còn những trường hợp bị kỷ luật bằng lời nói (ví dụ như la hét) có thể trở thành những tội phạm trẻ tuổi với các hành vi như nói dối, ăn cắp, bắt nạt bạn bè…

- Khuyến khích hành vi tự cho mình là trung tâm: Những hình phạt sẽ khiến trẻ tập trung vào hậu quả mà chúng phải chịu thay vì những tác động cả hành vi của chúng đến những người xung quanh. Điều này khiến chúng bị hạn chế phát triển các kỹ năng trí tuệ cảm xúc thiết yếu như sự đồng cảm, nhận thức xã hội.

- Khuyến khích sự không trung thực: Trong khi bạn phạt trẻ để buộc chúng nói ra sự thật thì trong thâm tâm chúng đang hình thành những lý do để tránh bị phạt cho lần sau (nếu có). 

Trên thực tế, các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng nỗi sợ bị trừng phạt có thể biến những đứa trẻ thành những kẻ nói dối tốt hơn.

- Ngăn chặn sự phát triển đạo đức từ bên trong con người của trẻ: Một trong những vấn đề lớn nhất của những hình phạt là chúng tuyệt đối không không dạy cho trẻ em làm điều đúng đắn hơn (dù cha mẹ đã cố nhồi nhét vào đầu chúng bằng được). 

Chúng có xu hướng học theo những hành vi có tính đàn áp đó để ứng xử với những người dễ bị tổn thương hơn mà không quan tâm đến sự tôn trọng và công bằng vốn phải có.

Vậy làm thế nào để dạy con tốt mà không cần những hình phạt?

Quát mắng, trừng phạt không thể giúp trẻ dễ bảo hơn: Quyền cao chức trọng đến đâu cũng phải nhớ rằng cha mẹ cần giáo dục, chia sẻ chứ đừng kiểm soát con - Ảnh 2.

Chìa khóa của điều này chính là cách bạn giao tiếp với con trẻ và giúp chúng hiểu vì sao hành vi của chúng lại không được chấp nhận. 

Nhưng bạn phải cân nhắc thật cẩn thận những từ ngữ bạn sử dụng vì đây là lúc rất nhạy cảm.

Thử tưởng tượng bạn và trẻ đã đồng ý rằng sẽ cho chúng chơi xếp hình nếu chúng chịu dọn dẹp sau khi chơi xong, nhưng rồi chúng bày mọi thứ bừa bộn khắp nhà mà không có hành động thu dọn.

Đừng nói với trẻ “Con phải dọn dẹp ngay đống hỗn độn kia vào” – vì khi được ra lệnh, trẻ em có xu hướng làm ngược lại với những gì được bảo.

“Nếu con không dọn đồ chơi vào, cha/mẹ sẽ không cho con xem TV nữa” – lời đe dọa này cũng gây ra một sự kháng cự tương tự vì làm cho trẻ cảm thấy bị ép buộc và thao túng. 

Mặc dù có thể miễn cưỡng đứa trẻ làm việc nhưng như đã nói, nó sẽ gây ra một sự phẫn nộ ngầm và khiến chúng bất hợp tác trong tương lai.

“Đáng lẽ con phải ngoan hơn chứ” – đổ lỗi gây ra một sự thất vọng, dễ dàng khiến trẻ cảm thấy tội lỗi và không được yêu thương.

Thay vào những câu nói trên, hãy cùng con thay đổi từng chút một. Cha mẹ có thể ngồi xuống và nói chuyện một cách nhẹ nhàng, không có bất kỳ sự giận dữ nào trong cuộc trò chuyện, về những gì bạn cảm thấy đối với hành vi đó của trẻ. 

Hãy luôn bắt đầu bằng “Cha/Mẹ”, ví dụ như “Cha/Mẹ thật sự cảm thấy không vui khi nhìn đống hỗn độn này đâu”.

Tiếp đến, hãy giúp trẻ hiểu rằng hành vi của chúng ảnh hưởng đến cả hai bên như thế nào. “Với đống đồ chơi này của con, chúng ta không thể nằm xuống sàn và duỗi tay duỗi chân thư giãn”, cùng với đó là hành vi thực tế. 

Khi bạn dạy con bằng những lời nói nhẹ nhàng xen lẫn chút hài hước, cảm giác bực bội hay tức giận, tội lỗi cũng sẽ giảm thấp đi.

Mô hình hóa ngôn ngữ mà bạn muốn con sử dụng

Mọi cuộc xung đột đều có thể được giải quyết khi bạn trò chuyện với thiện ý và cho thấy được rằng ý định thực sự của bạn chỉ là khiến mọi người cùng đáp ứng những nhu cầu cơ bản.

Trước khi phản ứng với những hành động chưa đúng của con, bạn cũng cần tự hỏi: Làm thế nào để có thể chứng minh cho con thấy luôn có cách khác để làm mà chúng ta đều hài lòng?

Hãy nhớ, mục tiêu cho tất cả những điều này, là để giáo dục chứ không phải kiểm soát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại