Quảng Nam lên tiếng vụ nhà máy gây ô nhiễm "đòi" 123 tỷ để di dời

Đình Thức |

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định chưa cấp phép cho dự án nhà máy thép ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn và nhà máy này nếu hoạt động sẽ không xả nước thải ô nhiễm.

Sai vì cấp phép nhà máy thép gần nhà dân

Dư luận tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng đang vô cùng lo lắng trước thông tin nhà máy thép Việt Pháp của Công ty thép Việt Pháp được chính quyền tỉnh Quảng Nam cho phép di dời từ xã Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn) đến thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đông Giang).

Người dân lo lắng nhà máy thép khi đi vào hoạt động sẽ xả thải nước sản xuất thép ô nhiễm vào nguồn nước sông Vu Gia – Thu Bồn. Đây là nguồn nước sinh hoạt chính của vùng phía Đông tỉnh Quảng Nam và toàn bộ TP Đà Nẵng.

Chưa hết, theo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, nhà máy thép Việt Pháp trong năm 2014 chỉ nộp ngân sách 3 triệu đồng và năm 2015 là 12,6 triệu đồng.

Tuy vậy, Công ty Việt Pháp trong kế hoạch di dời đã đề nghị nhà nước hỗ trợ số tiền 123,85 tỉ đồng.

Trao đổi với PV vào ngày 6/10, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định đây mới là chủ trương để công ty Việt Pháp nghiên cứu.

Quảng Nam lên tiếng vụ nhà máy gây ô nhiễm đòi 123 tỷ để di dời - Ảnh 1.

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

"Tỉnh chưa có đồng ý mà chỉ mới là chủ trương. Chính quyền chỉ địa điểm để họ đánh giá môi trường và tiến hành di dời nhà máy.

Tôi cảm thấy rất buồn khi mới như vậy mà anh em mình (báo chí) lại viết thế này thế kia. Tôi rất buồn chuyện đó", ông Thu bày tỏ.

Theo Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, nhà máy thép Việt Pháp ở xã Điện Nam Đông hiện tại, các chỉ số về môi trường (không khí, tiếng ồn, nước thải) đều đảm bảo, không có vượt chỉ tiêu nào. Nhà máy không gây ô nhiễm môi trường.

Quảng Nam lên tiếng vụ nhà máy gây ô nhiễm đòi 123 tỷ để di dời - Ảnh 2.

Người dân tập trung trước cổng nhà máy thép Việt Pháp phản đối ô nhiễm

"Nhà máy này thường hoạt động vào ban đêm để tiết kiệm điện. Sắt phế liệu người ta dồn lại một đống, họ phải dùng máy dập xuống để đưa vào lò nên gây ra tiếng ồn khiến người dân ngủ không được.

Ngoài ra, sơn dầu ở trong đó, khi đưa vào nấu thành thép thỏi thì có khói bốc lên và có bụi.

Chính quyền chỉ có việc sai là để họ ở gần khu dân cư, gây ồn ào, khói bụi nên bị phản ứng.

Việc di dời nhà máy là cần thiết nên tỉnh mới tìm chỗ cho họ đi đến. Vị trí mới cách xa khu dân cư để tránh gây ảnh hưởng như ở Điện Nam Đông", ông Thu nói.

Nhà máy không xả thải, tỉnh không bồi thường để di dời

Ông Thu cho biết đã nhiều lần đến thị sát nhà máy thép Việt Pháp ở xã Điện Nam Đông.

Mỗi lần như vậy, người dân đều gặp để phản ánh việc ồn và khói bụi.

"Họ đầu tư mấy trăm tỉ mới sản xuất vài ba năm, bây giờ dân đuổi đi vì không chịu được ồn. Mình phải kiếm chỗ nào không ồn ào để họ đến.

Đây chỉ là kế hoạch, mới nghiên cứu và dự định năm 2017 cho nhà máy di chuyển. Họ đang nghiên cứu, đánh giá môi trường thế nào chứ chưa kết luận gì cả", ông Thu cho hay.

Quảng Nam lên tiếng vụ nhà máy gây ô nhiễm đòi 123 tỷ để di dời - Ảnh 3.

Nhiều người lo ngại tình trạng ô nhiễm sẽ tiếp tục dù nhà máy di dời lên thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn

Ông Thu cũng cho biết, nhà máy thép Việt Pháp có quy trình hoạt động khác hoàn toàn với dự án Formosa Hà Tĩnh.

"Đây là một quy trình khác. Thép phế liệu người ta mua về nấu bằng điện ra thép lõi (phôi thép) để đem bán.

Một việc như thế sử dụng nước để làm gì?

Nước tiểu, nước sinh hoạt của công nhân thì có, nước làm nguội kim loại thì có chứ làm gì có nước thải?

Quy trình của nó là sắt phế liệu dùng nhiệt điện để nấu chứ không có dùng cục than nào hết để từ thép phế liệu tạo ra thép thỏi để bán", ông Thu khẳng định.

Cũng theo Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, công ty Việt Pháp có đề nghị chính quyền hỗ trợ 123 tỷ để di dời nhà máy.

Về vấn đề này, UBND tỉnh đã chủ trì nhiều phiên họp và đi đến kết luận không có đủ điều kiện để hỗ trợ cho họ.

"Chính quyền cấp giấy phép 15 năm mà họ mới làm có 2 năm chưa thu hồi vốn mà giờ dân bắt họ đi, chính quyền cũng lâm vào cảnh tiến thái lưỡng nan, tỉnh cũng không biết làm sao cả.

Tuy nhiên, tỉnh không có khả năng hỗ trợ, vì vậy mình phải tìm chỗ mới cho họ chứ", ông Thu nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại