Nhà máy thép gây ô nhiễm đòi tỉnh Quảng Nam chi 123 tỷ để di dời

Bảo Ngọc |

Nhà máy thép Việt Pháp hoạt động trong 2 năm 2014, 2015 chỉ nộp ngân sách 15,6 triệu đồng nhưng lại đòi UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ số tiền 123,85 tỉ đồng để di dời vì gây ô nhiễm.

Gây ô nhiễm trầm trọng

Nhà máy thép Việt Pháp (công ty Việt Pháp) được cấp phép và đi vào hoạt động ở phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) từ năm 2012. Nhà máy có công suất 48.000 tấn/năm và được cấp phép hoạt động trong 50 năm.

Trong 4 năm hoạt động, nhà máy luôn gây ra tình trạng ô nhiễm khói, bụi, nước khiến người dân vô cùng bức xúc. Người dân ở phường Điện Nam Đông đã hàng chục lần bao vây cổng, chặn xe ra vào cổng để buộc nhà máy tạm dừng hoạt động, chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm.

"Chúng tôi bao vây hàng chục lần. Mỗi lần như vậy, họ lại cử người ra đối thoại, hứa hẹn đủ thứ chuyện nhưng sau đó, ô nhiễm vẫn tái diễn.

Chúng tôi viết hàng chồng đơn gửi cơ quan chức năng kêu cứu. Các ban ngành của tỉnh cũng về kiểm tra, nhà máy bị phạt nhưng tình trạng này vẫn không khá hơn", anh Lê Văn Trường (trú phương Điện Nam Đông), bức xúc.

Nhà máy thép gây ô nhiễm đòi tỉnh Quảng Nam chi 123 tỷ để di dời - Ảnh 1.

Người dân xã Điện Nam Đông bao vây, buộc tạm dừng hoạt động nhà máy thép Việt Pháp vì ô nhiễm

Ông Phan Minh Dũng, Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, xác nhận việc nhà máy thép Việt Pháo gây ô nhiễm nghiêm trọng khi hoạt động trên địa bàn.

"Người dân và chính quyền hết sức khốn khổ với nhà máy này. Đây là cơ sở sản xuất công nghiệp nặng nhưng xây dựng quá gần khu dân cư.

Tỉnh đã sai lầm ngay từ ban đầu khi cấp phép xây dựng cho nhà máy này hoạt động", ông Dũng thẳng thắng nói.

Ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Quảng Nam, cho hay nhà máy thép Việt Pháp gây ô nhiễm nên việc cấp bách là phải di dời khỏi thị xã Điện Bàn.

"Di dời đi đâu và việc đánh giá tác động môi trường như thế nào sẽ được làm kỹ", ông Viễn nói.

Theo ông Phan Việt Cường, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết, tại Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam vừa qua đã bàn đến việc di dời nhà máy thép Việt Pháp. Địa điểm được công ty này chọn đặt nhà máy mới là ở huyện Nam Giang (Quảng Nam).

Đòi 123 tỉ để di dời

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có thông báo về địa điểm lập dự án, đầu tư xây dựng nhà máy thép Việt Pháp ở vị trí mới. Cụ thể, nhà máy mới sẽ được xây dựng tại thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam).

Tuy nhiên, nhiều người đã tỏ ra lo ngại nếu tình trạng ô nhiễm tiếp tục xảy ra thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sông Vu Gia – Thu Bồn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của toàn bộ người dân các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, TP Hội An (Quảng Nam) và TP Đà Nẵng.

Ông Trương Quang Dũng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, cho hay dự án đầu tư mới nhà máy thép Việt Pháp có quy mô 975 tỉ đồng. Nhà máy này không nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp của UBND tỉnh.

Nhà máy thép gây ô nhiễm đòi tỉnh Quảng Nam chi 123 tỷ để di dời - Ảnh 2.

Nhiều người lo ngại tình trạng ô nhiễm sẽ tiếp tục dù nhà máy di dời lên thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn

Ông Dũng cho biết quan điểm của Sở là không đầu tư xây dựng dự án này nhưng UBND tỉnh vẫn thống nhất cho xây dựng. Sở cũng đã có văn bản nêu rõ sự việc dự án luyện thép Formosa Hà Tĩnh và Formosa Đồng Nai đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Chính phủ cũng đã đưa ra quan điểm chỉ đạo không đánh đổi phát triển kinh tế để đổi lấy môi trường bị hủy hoại.

Ông Nguyễn Quang Ảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng, cho hay chỉ mới nghe thông tin về dự án nhà máy thép ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn.

"Tôi đã phải giật mình khi nghe tin. Nhà máy thép thuộc công nghiệp nặng, đưa lên thượng nguồn là rất nguy hiểm.

Nhà máy này gây ô nhiễm ở Điện Bàn, nếu chuyển lên Nam Giang mà ô nhiễm nữa thì rất nghiêm trọng", ông Ảnh lo lắng.

Đặc biệt, theo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, nhà máy thép Việt Pháp trong năm 2014 chỉ nộp ngân sách 3 triệu đồng và năm 2015 là 12,6 triệu đồng.

Tuy vậy, Công ty Việt Pháp trong kế hoạch di dời đã đề nghị nhà nước hỗ trợ số tiền 123,85 tỉ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại