'Quan tài hạt nhân' thời Chiến tranh Lạnh đang rò rỉ chất thải phóng xạ ra Thái Bình Dương

Song Hy |

Mái vòm bê tông được xây dựng từ Chiến tranh Lạnh để chứa chất thải từ vụ thử hạt nhân của Mỹ xuống cấp, bắt đầu rò rỉ chất thải hạt nhân ra Thái Bình Dương.

Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres xác nhận thông tin đáng lo ngại này khi nói chuyện với các sinh viên ở Fiji trong chuyến công du Thái Bình Dương để nâng cao nhận thức về vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường.

Ông Guterres mô tả công trình đồ sộ ở Enewetak Atoll, quần đảo Marshall trông như "một chiếc quan tài hạt nhân" và thừa nhận chất thải hạt nhân của nó đang bắt đầu rò rỉ.

"Hậu quả sẽ rất nghiệm trọng, liên quan sức khỏe và vấn đề ngộ độc nước ở một số khu vực", ông Guterres nhấn mạnh.

Liên tiếp các vụ thử hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh khiến Mỹ quyết định xây dựng một công trình chứa chất thải hạt nhân từ các hoạt động này. Đất bị chiếu xạ bởi các thử nghiệm và tro từ bụi phóng xạ sẽ được đổ xuống một miệng núi lửa sau đó phủ bằng lớp bê tông dày 45cm. Tuy nhiên, biện pháp trên chỉ mang tính chất đối phó. Do phần đáy của miệng núi lửa không kín nên các chất thải trong đó bắt đầu rò rỉ ra bên ngoài.

Ngoài việc cảnh báo về nguy cơ rò rỉ hạt nhân, ông Guterres cũng đề cập tới việc Thái Bình Dương trở thành nạn nhân của chính quyền Mỹ ra sao trước tham vọng hạt nhân của Washington.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ chọn quần đảo Marshall ở Tây Thái Bình Dương, với dân số khoảng 52.000 người, làm nơi thử nghiệm bom hạt nhân. Từ năm 1946 đến 1958, Mỹ thả 67 quả bom hạt nhân xuống quần đảo này. Đặc biệt trong năm 1954, Washington kích nổ quả bom nhiệt hạch mang tên Castle Bravo trên đảo Bikini, thuộc quần đảo Marshall, phát ra năng lượng tương đương 15 triệu tấn thuốc nổ, gấp hơn 1.000 lần so với quả bom Little Boy ném xuống Hiroshima.

Mặc dù đã được sơ tán và chuyển tới sống ở các vùng khác, nhưng nhiều người bản địa ở Marshall vẫn gặp các vấn đề về sức khỏe do tiếp xúc với bụi phóng xạ hạt nhân từ các thử nghiệm.

Ông Guterres không đưa ra các khuyến nghị cụ thể để giải quyết vấn đề rò rỉ chất thải hạt nhân đáng lo ngại này, nhưng cảnh báo cần sớm bắt tay vào hành động.

Các chuyên gia cảnh báo, một cơn bão mạnh trong khu vực có thể sẽ phá hỏng "quan tài hạt nhân", gây ra hậu quả khủng khiếp cho môi trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại