Tướng La Viện cao giọng: "2013 nguy cơ cao nổ ra xung đột, Trung Quốc sẽ có hành động"

Thanh Phong |

(Soha.vn) - Theo La Viện khả năng xảy ra xung đột quân sự trên các vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước năm 2013 đang ngày càng hiện hữu.

Tờ Thanh niên Trung Quốc ngày 30/12 đăng bài phỏng vấn La Viện, thiếu tướng, học giả Trung Quốc chuyên bình luận về các vấn đề thời sự biển đảo đã đưa ra nhận định rằng trong năm 2013 tiềm ẩn nhiều khả năng xảy ra xung đột quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Quốc sẽ có hành động.

La Viện, học giả đeo lon thiếu tướng Trung Quốc mang tư tưởng
La Viện, học giả đeo lon thiếu tướng Trung Quốc mang tư tưởng "diều hâu"

Năm 2012 được đánh dấu bởi nhiều sự kiện khiến căng thẳng leo thang trong khu vực, đặc biệt là vấn đề chủ quyền biển đảo. 

Từ tranh chấp chủ quyền trên bãi ngầm Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines hồi tháng 4, ranh chấp lãnh hải Trung - Hàn, tranh chấp biên giới Trung - Nga, và đỉnh điểm là tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với Nhật Bản.

La Viện cho rằng, trước năm 2012 Trung Quốc đã luôn tỏ ra "kiềm chế và nhẫn nại", nhưng chỉ vì các nước có tranh chấp liên tục gây căng thẳng, theo La Viện, dẫn đến tình hình tranh chấp lãnh hải xấu đi, đặc biệt là với nhóm đảo Senkaku. Năm 2012 theo viên tướng này là một năm nguy cơ cao xảy ra xung đột quân sự.

Viên tướng từng tự nhận mình là "diều hâu" này cho rằng, căng thẳng tranh chấp chủ quyền tại Đông Á năm 2012 có thể khái quát trên ba phương diện: Các bên tranh chấp đều tranh thủ củng cố đòi hỏi chủ quyền của mình; Các nước đều bắt đầu sử dụng kênh pháp lý bằng việc ban hành văn bản pháp luật liên quan tới vùng biển tranh chấp; Các bên liên quan đều đã có hành động thực tế. Do đó, theo La Viện khả năng xảy ra xung đột quân sự trên các vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước năm 2013 đang ngày càng hiện hữu.

Tàu Ngư chính 310 Trung Quốc án ngữ tại bãi cạn Scarborough hồi tháng 4, tháng 5 vừa qua và ngăn cản bất cứ tàu thuyền Philippines nào muốn quay lại ngư trường truyền thống của họ
Tàu Ngư chính 310 Trung Quốc án ngữ tại bãi cạn Scarborough hồi tháng 4, tháng 5 vừa qua và ngăn cản bất cứ tàu thuyền Philippines nào muốn quay lại ngư trường truyền thống của họ

Năm 2012 theo La Viện cũng là năm đánh dấu việc Trung Quốc thử nghiệm "mô hình Scarborough" trong việc khẳng định cái gọi là chủ quyền của họ trên các vùng biển tranh chấp. "Mô hình Scarborough" là khái niệm chỉ việc Trung Quốc sử dụng 3 cánh quân để chiếm ưu thế trên thực địa cũng như bàn đàm phán đối với vùng biển tranh chấp.

Cánh quân đầu tiên, Trung Quốc sẽ lùa cái gọi là "lực lượng chấp pháp" ra các khu vực có tranh chấp, gồm Hải giám, Ngư chính, Cảnh sát biển để ngăn chặn tàu thuyền đối phương. 

Cánh quân thứ 2 là tăng sức mạnh quân sự và mối uy hiếp để đe dọa đối phương trong khi cánh quân thứ 3 là gây sức ép trên mặt trận ngoại giao và truyền thông - báo chí.

"Mô hình Scarborough", theo La Viện đã thành công và đang được Trung Quốc triển khai trên các vùng biển tranh chấp. Đồng thời với việc đưa ra các tuyên bố ngang ngược, phi pháp (như thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", hộ chiếu lưỡi bò, lệnh cấm đánh bắt cá, lệnh kiểm tra tàu thuyền "xâm nhập lãnh hải" Trung Quốc...), dường như Trung Quốc đang cố tình sẵn sàng gây hấn và lấn tới với bất cứ đối phương nào chống trả các lực lượng "cò mồi" này.

Trung Quốc cũng kéo 4 tàu chiến hạm đội Nam Hải ra khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh bãi ngầm Scarborough đang dâng cao
Trung Quốc cũng kéo 4 tàu chiến hạm đội Nam Hải ra khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh bãi ngầm Scarborough đang dâng cao

Viên tướng diều hâu này nhận định, "Mô hình Scarborough" này bao trùm cả 4 phương diện gồm chính trị, kinh tế, quân sự và pháp lý, mặc dù mô hình này không dễ để giải quyết tận gốc vấn đề ngay lập tức theo như tham vọng của Bắc Kinh, nhưng nó sẽ giúp Trung Quốc dần nắm thế chủ động, đồng thời đe dọa sự phản kháng của các bên liên quan.

Với tư tưởng hung hăng, bành trướng đó, La Viện cho rằng việc chuẩn bị về mặt quân sự trong giải quyết tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng là việc không thể không làm. 

Về khả năng Trung Quốc điều động hải quân tham gia giải quyết tranh chấp Senkaku, theo La Viện, đó là điều đương nhiên vì nó là chức trách, nhiệm vụ của quân đội, nếu không lập ra hải quân làm gì?

Năm 2012 cũng là năm đánh dấu việc chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc lan rộng. Không chỉ một số dân Trung Quốc mà còn dân Hồng Kông, Đài Loan liên tục kéo ra Senkaku. 2 tàu Cảnh sát biển Nhật Bản buộc phải
Năm 2012 cũng là năm đánh dấu việc chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc lan rộng. Không chỉ một số dân Trung Quốc mà còn dân Hồng Kông, Đài Loan liên tục kéo ra Senkaku. 2 tàu Cảnh sát biển Nhật Bản buộc phải "xốc nách" 1 tàu cá Trung Quốc chở 14 người Hồng Kông định đổ bộ lên nhóm đảo Senkaku

Cũng trong bài phỏng vấn này, La Viện cao giọng cảnh báo, "các bên liên quan" chớ có phán đoán bừa bãi mà phạm sai lầm, ám chỉ Mỹ và các nước có lợi ích tại các vùng biển tranh chấp, cụ thể là Biển Đông và biển Hoa Đông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại