Một quan chức tình báo Mỹ tiết lộ, quả tên lửa DF-31A mà Trung Quốc phóng hôm 30/11 có thể mang đầu đạn hạt nhân và có khả năng tấn công tới các thành phố trọng điểm của Mỹ từ một căn cứ quân sự tại Ngũ Trại, Sơn Tây, Trung Quốc. Đây là lần thứ 2 Trung Quốc phóng thử loại tên lửa chiến lược này kể từ tháng 8 vừa qua.
Giới phân tích tình báo Mỹ cho rằng, Trung Quốc lâu nay luôn mượn việc phóng tên lửa để truyền đi các thông điệp chính trị. Năm 1996 Trung Quốc từng triển khai tập trận tên lửa ngay bờ eo biển Đài Loan để gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử tại đảo này. Vụ phóng tên lửa DF-31 vừa rồi rất có thể là một tín hiệu giới chức Bắc Kinh muốn nhắc nhở, thậm chí là dằn mặt Mỹ.
Lần phóng tên lửa DF-31A đầu tiên diễn ra vào ngày 30/8 năm nay. Trước đó ngày 24/7 Trung Quốc còn tiến hành thử tên lửa xuyên lục địa DF-41 cơ động trên đường quốc lộ. Giới phân tích nhận định rằng đây là quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên của Trung Quốc có thể mang nhiều đầu đạn.
DF-31A được đưa vào biên chế từ năm 2007 và có thể mang 5 đầu đạn mỗi quả. Tầm bắn lớn nhất của loại tên lửa này là 5000 km và nó hoàn toàn có thể được lắp đặt trên một chiếc xe khách ngụy trang.
Lầu Năm Góc đã từ chối đưa ra bình luận về vụ phóng thử tên lửa vừa rồi của Trung Quốc trong khi Nội các Tổng thống Obama đang phải tính toán cắt giảm lượng tên lửa chiến lược nằm trong gói cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Richard Fisher, một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) nhận định rằng Nhà Trắng nên cho người dân Mỹ biết nhiều thông tin hơn về thực lực sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc và đảm bảo sức ép đủ lớn để Bắc Kinh tăng độ minh bạch trong việc sở hữu và phát triển năng lực vũ khí hạt nhân.
Chuyên gia này cho rằng, với việc bắn thử nghiệm DF-31A, Trung Quốc đang hướng tới việc xây dựng chiến lược phản kích hạt nhân và điều này sẽ buộc Bắc Kinh phải chế tạo nhiều tên lửa và đầu đạn hơn những con số mà các cơ quan tình báo Mỹ thu thập được.