Tờ Lenta ngày 11/3, dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Trung tâm Phòng thủ quốc gia cũng cho hay, một số hợp đồng quốc phòng bị trì hoãn thực hiện, thậm chí không thể hoàn thành.
Ngoài ra, rất nhiều linh kiện quan trọng cần thiết cho phòng thủ đất nước đến nay vẫn lệ thuộc vào nhập khẩu.
"Cần phải phân tích chi tiết nguyên nhân xảy ra từng trường hợp cụ thể, phải bảo đảm nhanh chóng thực hiện các đơn hàng, triển khai các biện pháp ngăn chặn tái diễn tình hình tương tự", ông Putin nhấn mạnh đồng thời cho biết thêm:
Cần phải triển khai nhanh chóng hơn việc sản xuất các linh kiện mà hiện nay lệ thuộc vào nhập khẩu, ít nhất cũng cần tìm kiếm nhà cung ứng thay thế.
Về tổng thể, các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình, "phần lớn trang bị kỹ thuật quân sự được cung ứng đầy đủ và đúng hạn".
Xe tăng T-14 và xe chiến đấu T-15 Armata
Tổng thống Nga còn nhấn mạnh thêm rằng dù còn tồn tại những khó khăn về kinh tế nhưng điều đó không hề ảnh hưởng đến chương trình hiện đại hóa quốc phòng của quân đội Nga hiện nay.
Đây cũng là nhận định vừa được ông Sergey Chemezov, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ Nga (Rostec) đưa ra.
Ngân sách quốc phòng Nga đã bị ảnh hưởng rõ rệt bởi tình hình kinh tế khó khăn, nhưng điều đó không hề ảnh hưởng đến chương trình hiện đại hóa quốc phòng của Nga.
Ông Sergey Chemezov cho hay, mặc dù vậy, những chương trình đã được Rostec khởi động sẽ được tiếp tục tiến hành. Tuy nhiên, tập đoàn này sẽ không tiếp tục khởi động các chương trình mới trong một thời gian nhất định.
Sergey Chemezov cho biết, chương trình xe tăng Armata sẽ không bị ảnh hưởng, bởi vì nó đã bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.
Do kế hoạch đổi mới trang bị năm 2020 đã gần kết thúc, tập đoàn này chuẩn bị tốt cho việc từng bước giảm quy mô đơn đặt hàng của nhà nước.
Hiện nay, người phụ trách của các công ty con của tập đoàn này đứng trước một nhiệm vụ lớn, đó là tăng tỷ trọng sản phẩm dân dụng lên 50% trước năm 2025.
Theo ông Sergey Chemezov, nguyên nhân chính Nga cắt giảm ngân sách quốc phòng là do giá dầu trượt dốc. Ông nói: "Giá dầu không được cao như mong đợi. Trong khi đó, đây chính là nguồn thu chủ yếu của thu nhập tài chính".
Chính phủ Nga đang cân nhắc cắt giảm 5% chi tiêu mua sắm quốc phòng trong năm 2016 do kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn.
Theo một số nguồn tin của Reuters, đề xuất cắt giảm chi tiêu mua sắm quốc phòng nhận được sự ủng hộ của Bộ Tài chính và một số cơ quan khác, đủ để vấn đề được đưa ra thảo luận trước cuộc họp nội các sắp tới.
Theo ước tính của một quan chức Nga khi trao đổi với Reuters, việc cắt giảm 5% chi phí mua sắm quốc phòng sẽ giúp Chính phủ Nga tiết kiệm được tối đa 100 tỉ rouble (tương đương 1,29 tỉ USD).
Nhưng vị quan chức này cũng cho biết thêm: “Động thái này không phải là vấn đề tiền bạc mà có liên quan đến một tiền lệ chính trị”.
Năm 2015 các doanh nghiệp quốc phòng Nga đã bàn giao khoảng 4.000 vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự cho quân đội, bao gồm 95 máy bay, 81 trực thăng, 2 tàu ngầm đa dụng, 152 hệ thống tên lửa phòng không, 291 radar, hơn 400 khẩu pháo và xe tăng bọc thép.
Và rõ ràng, dù Nga tuyên bố việc cắt giảm ngân sách không ảnh hưởng đến quá trình hiện đại hóa quốc phòng nhưng thực tế đã chứng minh hoàn toàn khác.