Tờ Izvestia cho biết, bộ trang phục mới nhất cho phi công lái tiêm kích thế hệ 5 Sukhoi PAK FA T-50 do hãng Zvezda đã được trang bị quần lót chuyên dụng có bộ phận tiếp nhận chất lỏng PZh-1.
Nhờ PZh-1 mà phi công không cần nới lỏng hệ thống treo (giữ phi công trên ghế lái), bộ áo liền quần và không rời bỏ việc điều khiển máy bay vẫn có thể “giải phóng” hoàn toàn bàng quang, sau đó nước tiểu sẽ được đưa ra khỏi máy bay. Quần lót này sẽ giúp cho phi công có thể bay liên tục 10-12 giờ mà không gặp khó khăn gì về sức khoẻ.
Phó Tổng công trình sư NPP Zvezda Nikolai Dergunov cho biết: “Bộ trang bị cho phi công lái máy bay Su T-50 đang được thử nghiệm và trong thời gian sắp tới sẽ được bàn giao cho Cục thiết kế OKB Sukhoi để lắp đặt lên máy bay Su T-50”.
Theo người đại diện Không quân Nga, hiện chỉ có các máy bay Su-27 và Su-34 được trang bị các hệ thống tương tự. Nhưng phi công muốn giải quyết nhu cầu tự nhiên sẽ buộc phải bỏ điều khiển máy bay và nới lỏng trang bị cũng như bộ áo liền quần, việc này có thể dẫn đến nguy cơ mất điều khiển máy bay.
Còn Su T-50 sẽ bay trên không trung đến 12 giờ khi có tiếp dầu, thực hiện những đoạn bay tốc độ rất mãnh liệt. Phi công không thể bỏ lái và nới lỏng trang bị, với 12 tiếng liền bàng quang luôn đầy ứ thì không một ai có thể chịu đựng được. Để phi công không bị hành hạ, chúng tôi đã đưa PZh-1 vào bộ trang bị đảm bảo cuộc sống”, quan chức cấp cao Bộ tư lệnh Không quân Nga cho biết.
Quần lót PZh-1 được nghiên cứu sản xuất đầu những năm 1990 cho máy bay tiêm kích đánh chặn hạng nặng MiG-31M có nhiệm vụ bay tuần tiễu hơn 10 giờ. Trong ảnh: Cường kích Su-34.
Theo một trong những nhà thiết kế quần lót cho phi công, chuyên gia chủ chốt của Zvezda Vladimir Ushinin nói rằng, PZh-1 có thể thích hợp với các tổ hợp duy trì sự sống không chỉ của MiG-31, Su-27, mà cả đối với Su-30. Trong ảnh: Chiến đấu cơ T-50.
“PZh-1 may bằng vải bông. Ở phần đũng quần có gắn một túi chứa chuyên dụng đựng chất lỏng. Túi chứa này được nối qua ống có van với hệ thống xử lý chất thải trên máy bay, hệ thống này sẽ đẩy nước tiểu ra khỏi máy bay nhờ vòi hút dùng không khí nóng được khởi động”, ông Ushinin nói.
Phi công thử nghiệm, anh hùng Nga Roman Taskaev - người đã thử PZh-1 năm 1990 trên MiG-31 cho biết, khi đó các công ty đã đề xuất với không quân lựa chọn hoặc bỉm đặc biệt dùng trong 10 giờ hoặc quần lót đưa được chất lỏng đi.
“Dùng bỉm rất không thuận tiện và khó chịu. Chúng tôi đã nói ngay là phi công quân sự sẽ không dùng bỉm khi bay. Còn với PZh-1 thì tôi và Sergei Khazov - hoa tiêu của tôi có thể đi tiểu rất đơn giản và thuận tiện. Sergei thậm chí đã làm việc đó ở tốc độ hơn 2.000km/h”, ông này nói.