Thiết bị huấn luyện tàu ngầm Việt mà Nga cũng phải thèm

Tờ Izvestia của Nga đưa tin Việt Nam đã chi hàng trăm triệu USD để mua một trung tâm huấn luyện “độc nhất vô nhị” mô phỏng tàu ngầm.

Theo Izvestia, đến cuối năm nay, phía Nga sẽ bàn giao cho Việt Nam một trung tâm huấn luyện số hóa tối tân cho thủy thủ đoàn của các tàu ngầm Varshavyanka mà Việt Nam đã mua của Nga.

Trung tâm huấn luyện này sẽ được xây dựng và lắp đặt tại Cam Ranh, nơi đặt căn cứ của Hải quân Việt Nam. Một trong những kết cấu cuối cùng của trung tâm này đã được hoàn thành vào tháng Tư vừa qua.

Một chiếc tàu ngầm điện-diesel Varshavyanka được cho là đóng cho Việt Nam
Một chiếc tàu ngầm điện-diesel Varshavyanka được cho là đóng cho Việt Nam

Giá mua trung tâm huấn luyện này tuy không được tiết lộ song theo Izvestia tổng chi phí sẽ cao hơn giá một chiếc tàu ngầm Varshavyanka.

Một nguồn tin từ dự án này cho Izvestia biết trung tâm huấn luyện gồm 2 tòa nhà. Một tòa nhà chứa một tàu ngầm mô phỏng với 30 thiết bị luyện tập riêng và được kết nối thành một mạng lưới chung.

Các thiết bị luyện tập này mô phỏng chính xác các vị trí điều khiển của mỗi thủy thủ như trên tàu ngầm thật. Tuy nhiên, thay cho các chỉ số thực như độ sâu, tốc độ, tình trạng mục tiêu, thiết bị sẽ sử dụng thiết bị mô phỏng điện tử được vi tính hóa.

Tòa nhà thứ hai chứa một thiết bị huấn luyện “có một không hai” nhằm huấn luyện khả năng sinh tồn của thủy thủ. Tại tòa nhà này, các thủy thủ tàu ngầm phải học cách xử lý trong các điều kiện khói mù, cháy với các phương tiện khác nhau, và cả cách thoát khỏi tàu thông qua máy phóng ngư lôi.

Để mô phỏng các điều kiện thực tế, trung tâm huấn luyện có một bể nước với máy phóng ngư lôi 533 mm và áp suất tăng dần. Các thủy thủ tàu ngầm tương lai của Việt Nam phải tập sơ tán từ tàu ngầm dưới sự giám sát của các huấn luyện viên.

  Huấn luyện kỹ càng giúp các thủy thủ tàu ngầm xử lý tốt trong các tình huống khẩn cấp
Huấn luyện kỹ càng giúp các thủy thủ tàu ngầm xử lý tốt trong các tình huống khẩn cấp

Nguồn tin thuộc dự án xây dựng trung tâm huấn luyện cho Việt Nam nói với Izvestia: “Đó là một ống kín có đường kính 6 m và cao 12 m, một công trình có thiết kế như ống trượt trong công viên nước nhưng phức tạp hơn nhiều. Trung tâm này đã sẵn sàng và tới cuối tháng Năm này chúng tôi sẽ chuyển giao cho Việt Nam”.

Giám đốc dự án này là ông Yuri Sizov cho biết tổ hợp huấn luyện không chỉ bao gồm những mô phỏng tĩnh các thiết bị của tàu ngầm mà còn có điểm chỉ huy linh hoạt được bố trí trên một thiết bị di động.

“Thiết bị di động này chuyển động theo 3 mặt phẳng khác nhau và cho phép mô phỏng tình huống tương tự trên biển như sóng, tình trạng tròng trành và độ nghiêng của tàu khi lặn xuống hoặc nổi lên.

Nếu thao tác sai, thủy thủ đoàn ngay lập tức sẽ cảm nhận được thiết bị mô phỏng di động này bị nghiêng dốc hoặc nổi lên trên tương tự như tàu thật. Ngoài ra, chuyển động của toàn bộ thiết bị sẽ giống với chuyển động thật một cách tối đa. Đây là điều rất quan trọng đối với thủy thủ đoàn, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp” – ông Sizov giải thích.

Kết cấu tàu ngầm điện-diesel Varshavyanka

Cũng theo ông Sizov, tham gia thiết kế chế tạo trung tâm huấn luyện này có hàng trăm chuyên gia Nga, những người trong gần 2 năm đã giảng dạy cho gần 50 giáo viên người Việt Nam đào tạo các thủy thủ tàu ngầm trên thiết bị huấn luyện mới.

“Việc đào tạo được thực hiện theo kế hoạch của Hải quân Nga. Họ học tiếng gần một năm bởi vì toàn bộ hệ thống, quy trình trên tàu ngầm Varshavyanka cũng như trên thiết bị huấn luyện đều bằng tiếng Nga. Đó là điều kiện của hợp đồng. Sau khi học tiếng, họ sẽ trải qua một khóa huấn luyện mô phỏng và thực hành trên tàu ngầm thật trên biển” – ông Sizov nói.

Các huấn luyện viên Việt Nam được lựa chọn từ các sĩ quan hải quân và giáo viên trong các trường đại học Việt Nam. Ngoài ra, thành phần đội ngũ huấn luyện viên còn có những người quản trị hệ thống, những người đã được học tập để theo dõi hệ thống tin học của trung tâm huấn luyện.

“Bản thân trung tâm này cũng như thiết bị của các tàu ngầm Varshavyanka hoạt động trên hệ điều hành thời gian thực QNX. Tuy nhiên, đối với mỗi thiết bị khác nhau mà chúng tôi cài đặt QNX và Windows. Đó là công việc không hề đơn giản” – ông Sizov nói.

Chuyên gia Nga cũng phải thừa nhận ngay cả Hải quân Nga cũng chưa được trang bị một trung tâm huấn lyện như của Việt Nam
Chuyên gia Nga cũng phải thừa nhận ngay cả Hải quân Nga cũng chưa được trang bị một trung tâm huấn lyện như của Việt Nam

Izvestia dẫn lời Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu các vấn đề địa chính trị Nga, ông Konstantin Sivkov cho biết ngay cả Hải quân Nga cũng không có các thiết bị huấn luyện này.

“Nhìn từ góc độ an ninh quân sự của Nga thì việc chế tạo và xây dựng một trung tâm như vậy tại Việt Nam là không đúng. Trước hết cần phải đảm bảo trang bị các thiết bị huấn luyện như vậy cho lực lượng của chúng ta (Nga) đã, mà đáng ra phải từ sớm hơn bởi loại tàu ngầm này đã có từ thời Liên Xô. Người Việt Nam đã giải quyết vấn đề trang bị cho hạm đội tàu ngầm một cách hài hòa, tức là mùa tàu ngầm và ngay lập tức mua các thiết bị huấn luyện” – ông Sivkov cho biết.

Izvestian cho biết nhà máy chịu trách nhiệm thiết kế chế tạo trung tâm huấn luyện này là Avrora đã trình diễn công trình cho Tư lệnh Hải quân nga Viktor Chirkov xem. Vị tư lệnh này đã bày tỏ mong muốn mua một thiết bị như vậy cho các thủy thủ tàu ngầm Nga. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn chưa được thông qua.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại