Thời báo Hoàn Cầu ngày 6/1 đưa tin, Kim Nhất Nam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược đại học Quốc phòng Trung Quốc, lon Thiếu tướng vừa có bài viết phân tích 4 thay đổi quan trọng của quân đội Trung Quốc trong năm 2012, thay đổi đầu tiên và cơ bản nhất là thay thế 1 loạt tướng lĩnh cấp cao trong đội ngũ chỉ huy quân đội.
Cuối năm 2012 là thời gian có nhiều thay đổi tại Trung Quốc khi diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực giữa hai thế hệ lãnh đạo tại đại hội 18 đảng Cộng sản Trung Quốc. Cùng với việc thay đổi nhân sự lãnh đạo bộ máy chính quyền, giới chức cấp cao quân đội Trung Quốc cũng đã thay đổi hàng loạt các vị trí chỉ huy lãnh đạo chủ chốt, từ Quân ủy Trung ương cho tới Bộ Quốc phòng, các Tổng cục, quân khu, quân binh chủng.
Quân ủy Trung ương Trung Quốc là cơ quan quyền lực tối cao thống lĩnh toàn bộ các lực lượng vũ trang. Trong số 11 thành viên của cơ quan này, chỉ có 4 người từ khóa 17 lưu nhiệm sang gồm Tập Cận Bình, Hứa Kỳ Lượng, Thường Vạn Toàn và Ngô Thắng Lợi. 7 thành viên còn lại là những gương mặt hoàn toàn mới được điều động từ các đại quân khu, quân binh chủng.
Việc Hứa Kỳ Lượng, Tư lệnh Không quân khóa 17 được bổ nhiệm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương khóa 18, theo Kim Nhất Nam, đây là 1 chỉ dấu cho bước ngoặt chiến lược, quân đội Trung Quốc thay đổi từ chỗ lấy lục quân làm chủ sang hiệp đồng 3 quân chủng làm chủ đạo.
Sự kiện quan trọng thứ 2 của quân đội Trung Quốc trong năm 2012 là việc đưa tàu sân bay Liêu Ninh vào biên chế và J-15 đã bay thử nghiệm cất hạ cánh thành công chỉ sau một hai tháng.
Viên Thiếu tướng này cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc bị các nước phương Tây "phong tỏa toàn diện" như hiện nay mà vẫn tự cải tạo được hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và đưa vào biên chế, bay thử nghiệm thành công J-15 là một kỳ tích bởi đóng tàu sân bay, sở hữu tàu sân bay với một nước đang phát triển là một vấn đề rất lớn đối với các quốc gia đang phát triển.
Điều đáng nói ở đây, theo Kim Nhất Nam, trong khi các nước chỉ việc bỏ tiền ra mua hàng không mẫu hạm về sử dụng thì người Trung Quốc đã cải tạo từ "1 khối sắt cũ" thành 1 chiếc tàu sân bay hoàn chỉnh trong khi về mặt công nghệ tưởng chừng như điều này không thể xảy ra. Việc đưa vào biên chế tàu sân bay Liêu Ninh sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho hải quân Trung Quốc - cường quốc về biển.
Thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" và "khu phòng thủ Tam Sa" (phi pháp - PV) được Kim Nhất Nam xem như sự thay đổi trọng đại thứ 3 của quân đội Trung Quốc năm 2012. Nó đánh dấu một bước leo thang mới của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Bằng việc tuyên bố thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" và "khu phòng thủ Tam Sa" để "quản lý" 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV) với gần 90% diện tích Biển Đông được viên tướng này xem như "bước ngoặt chiến lược" từ "giấu mình chờ thời" sang "Trung Quốc trỗi dậy".
Sự thay đổi thứ 4 của quân đội Trung Quốc năm 2012 được cho là việc tiến hành thường xuyên các hoạt động tập trận xa bờ ngoài Tây Thái Bình Dương.
Nửa cuối năm 2012 thế giới chứng kiến các tàu chiến hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc liên tục kéo ra Tây Thái Bình Dương tập trận.
Một viên Phó tư lệnh hạm đội Đông Hải còn cao giọng tuyên bố, từ nay trở đi hoạt động tập trận xa bờ ngoài Tây Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc sẽ trở thành "chuyện thường ngày".